Xuất thân trong gia đình quý tộc Tày gốc Việt lâu đời, luôn trấn ải vùng biên giới, Tổng đốc Vi Văn Định nổi tiếng vì nghiêm minh, chính trực. Biệt phủ của ông ở Lạng Sơn rộng hơn một ha, nay chỉ còn lại tàn tích.
Ông Vi Văn Định (1878-1975) tự Ngọc Khuê, thuộc đời thứ 13 của họ Vi, một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn. Ông từng được triều đình cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tri châu Lộc Bình, trợ tá tỉnh vụ Lạng Sơn, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tổng đốc tỉnh Hà Đông, được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942. Ông nổi tiếng là vị Tổng đốc nghiêm minh, chính trực. Sau này, ông đi theo Cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt. Kháng chiến thành công, ông Vi Văn Định về sống ở Hà Nội, làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông cũng là nhạc phụ của 2 trí thức nổi tiếng thời bấy giờ là giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Đại Y Hà Nội; tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Giáo dục.
Dòng họ Vi làm thổ ty Lạng Sơn 13 đời, đến đời thứ 8 mới dời đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, lập thái ấp. Trong ảnh là biệt phủ Tổng đốc Vi Văn Định ở thôn Bản Chu.
Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng biệt phủ từ đầu thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm, hiện nay khu biệt phủ chỉ còn lại hai cổng cách nhau khoảng 30 m.
Cổng chính biệt phủ họ Vi được xây bằng gạch nung, vôi, cát. Theo ông Lộc Văn Chú (nguyên Chủ tịch xã Khuất Xá), sau khi Tổng đốc Vi Văn Định rời khỏi Lạng Sơn, nơi đây không ai coi sóc, từng trở thành căn cứ của bộ đội. Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, biệt phủ bị san lấp hoàn toàn bởi đạn pháo đối phương.
Mạch tường làm bằng hỗn hợp tro, đường phên và nhựa dây tơ hồng bền chắc, khó bong tróc theo thời gian.
Cửa gỗ đã bị tàn phá nay còn trơ lại trụ sắt.
Kiến trúc mái vòm của cổng chính biệt phủ.
Cổng ngoài của biệt phủ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đã xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ dấu tích khu biệt phủ.
Giếng nước cổ Bó Lài nằm cạnh nhánh sông Kỳ Cùng được Tổng đốc Vi Văn Định xây năm 1910 với 42 bậc lên xuống bằng đá cuội.
Thành giếng cao khoảng 2 m, xây bằng gạch nung không có họa tiết cầu kỳ. Giếng mang hình dáng chiếc trống đồng với “đai trống” là 2 vòng tròn đắp nổi.
Theo ông Lộc Văn Chú, nước giếng Bó Lài trăm năm nay chưa bao giờ cạn. Ngày nay, người dân bản Chu vẫn sử dụng nước giếng cho ăn uống, sinh hoạt. Người từ phương xa cũng đến làng mang theo can, thùng xin nước giếng đem về.