Tiên tích đức hậu tầm long - nguyenhoanghy.com

0

 

Tiên tích Đức - Hậu Tầm Long - Hiểu thế nào cho đúng.

✅Theo các giai thoại phong thủy kể lại, các thánh sư địa lý, các thầy phong thủy cao tay có kinh nghiệm trong việc để đất xây dựng nhà cửa, mồ mà đều quan niệm và có những tiêu chí của riêng mình khi đi xem đất cho mọi người. Đó là bốn chữ: "Ân, Tình, Nghĩa, Lụy" tức là gia chủ phải là người có Ân với thầy, có Tình với thầy, có Nghĩa với thầy, và Lụy thầy tức là nhờ và nhiều lần đến mức khó từ chối. Để tìm được mảnh đất tốt đã khó, còn tìm được kiểu đất phong thủy đẹp hội tụ được tinh túy của đất trời thì rất khó khăn và mất nhiều công sức. Nên các Cụ thường xem nhưng gia đình đó có Phúc hay không, vì những mảnh đất như vậy phải "Trời cho mới gặp", rồi phải tính toán đầy đủ các yếu tố phụ trợ: Can, Chi, Ngũ Hành, Mạch khí vượng tướng v.v.... rất là kỳ công. Cho nên đối với các Thầy phong thủy có gọi công sức đó là "Giá trọng Thiên Kim". Vậy cách nào để bồi dưỡng Tích Đức để tạo ra Phúc phận, thì dưới đấy là 20 cách cơ bản để tạo nên những Phúc phần hay còn gọi là Phước Báu đó chính là chữ "Đức" . Có cụ xưa thường nói "Có Đức mặc sức mà ăn" với hàm ý sâu rộng, và để thực hiện điều này phụ thuộc vào chữ "Hành" tức hành động tốt sẽ mang lại những điều tốt đẹp. Và điều này cũng là một trong những giới luật bắt buộc đối với những thầy địa lý chính tông, phải có Đạo Đức của người thầy, làm việc có trách nhiệm và lương tâm
TIÊN TÍCH ĐỨC - HẬU TẦM LONG
LÀ CÁCH NÓI ẨN DỤ CỦA CAO NHÂN VỀ QUY LUẬT NHÂN QUẢ TRONG VIỆC TÍCH ĐỨC HÀNH THIỆN
  
20 CÁCH TÍCH ĐỨC CẢI MỆNH 
 
      Người xưa đã dạy: “Có đức mặc sức mà ăn”, học được cách tích đức, tức là ta đã học được cách cải biên số phận của mình, mang lại phước lộc dồi dào. Vậy làm thế nào để tích đức ngay cả khi không có điều kiện vật chất? Dưới đây là 20 cách tích đức cải tạo vận mệnh mà ai cũng làm được trên nền tảng Đạo Phật. 

1. Tích đức từ lời nói.

      Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Lời nói thẳng: Có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Lời nói lạnh như băng: Hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói. Lời nói phê bình người khác: Trước khi nói hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe. Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng và bằng cách nào đó khi chúng ta nói với bất kể người nào cũng cần mang lại kết quả cuối cùng đó là sự vui vẻ, cảm thông, đồng cảm. Không làm tổn thương đến người khác - đây chính là "Chính Ngữ" trong Bát Chánh Đạo và cách giữ giới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền lại - đó là không "Nói dối, không nói đôi chiều, không nói móc"... Không nói lời Sân hận, thù hằn, đôi co, tranh cãi... vì những điều này sẽ là chất xúc tác dẫn đến: Oán thán, cãi vã, sân hận, giận hờn, và đỉnh cao tột cùng sẽ là Thù và gây ra đánh nhau, giết người  v.v... 
 

2. Tích đức từ việc giữ lễ tiết, hiếu hạnh.

       Người có lễ tiết đi khắp thiên hạ cũng khó có người trách mắng, không ưng ý. 
      Phụng thờ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, tôn trọng anh chị em trong nhà, hòa thuận đạo nghĩa vợ chồng, chung sức nuôi dạy con cái, hòa nhã với họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè. 

 

3. Tích đức từ chung thủy

       Phàm là vợ chồng, nên sống chung thủy, không ngoại tình, không hãm hại hôn nhân của người khác, nếu ta làm vậy thì về sau bản thân ta và con cháu luôn bị người khác phản bội và phá hoại hạnh phúc của mình. Vì hạnh phúc xuất phát từ cả hai bên, nên hôn nhân trong cuộc sống hiện đại cần có sự hy sinh từ hai phía. Như vậy sẽ rất hạnh phúc. 
 

4. Tích đức từ tính cách khiêm nhường.

        Người xưa nói:
      Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi. Buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ. Không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình. Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhượng một chút.


 

5. Tích đức từ việc cứu người, giúp đỡ người khác.

      Khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn, rơi đồ xuống đường, nên đến giúp đỡ, nếu ta bỏ đi thì ắt về sau sẽ gặp quả báo. Nhìn thấy những đoạn đường hư, lở,… Chúng ta nên mở lòng bồi đường, đắp lộ để cho nhiều người đi qua được bình an. Thấy những người khó khăn, neo đơn, những hoàn cảnh đáng thương thiếu sự trợ giúp thì chúng ta hãy mở lòng từ bi hành thiện giúp đỡ những hoàn cảnh không được như ta. Mỗi người chúng ta buổi sáng thức giấc chỉ cần nhớ đến việc: Ta có chỗ ngủ ấm hơn nhiều người, có tay chân ngũ quan lành lặn, còn có cha có mẹ, có công việc tốt lao động hàng ngày là đã hạnh phúc hơn rất nhiều người có hoàn cảnh không được như ta. Như vậy bản thân sẽ luôn sinh niệm từ bi mong muốn giúp đỡ người khác. 
 


 
6. Tích đức từ việc hạn chế sát sinh:
 
       Sát sinh là tội ác thất đức trên đời. Nên buông dao xuống và nhớ rằng: Sinh mạng của chúng cũng như chúng ta, ăn đồ sát sinh, nên nghĩ đến là khi cầm dao giết nó, nó đã kêu lên thảm thiết và đau đớn cầu xin chúng ta như thế nào, nó chẳng khác gì chúng ta khi bị kẻ thù cầm dao cắt cổ rồi ăn xác chết của nó. Và mỗi loại động vật, sinh vật đều là một thực thể sống, không thể vị mạng sống của chúng ta mà phải đổi mạng sống của những sinh vật sống khác, vì bản chất các động vật đó chỉ không cùng tầng bậc chúng ta mà thôi. 
 

 
7. Tích đức từ việc làm ăn lương thiện:
 
      Nếu kinh doanh mà làm ăn lừa đảo, trốn thuế, cân sai, ăn bớt, thay linh kiện kém, sản phẩm gây độc hại cho nhiều người sử dụng, dùng âm mưu hãm hại đối thủ, bán cho xong tay, rồi mặc cho sự đau khổ của người khác thì những việc làm thất đức của bản thân, về sau ta và con cháu của ta phải gánh chịu Quả Báo rất nặng. Làm ăn chân chính và Tích Đức thì có Phúc lớn về sau, thâm tâm an lạc vui vẻ, không còn phải lo lắng đến những việc làm sai trái và phải suy nghĩ để trốn tránh những hậu quả của những cái sai đó. Bởi vì theo luật Nhân Quả - Gieo nhân nào gặp quả đó, chỉ chờ một chữ duyên thì lúc đó Nghiệp sẽ đến. 
 

8. Tích đức từ việc thành thật với mọi người.
 
      Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành. Luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ. Dùng thành tín thu phục người khác, sẽ dễ đạt được thành công. Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó. Bất kể lý do gì cũng không thể giải thích được lý do sự giả dối của bản thân.
 

9. Tích đức từ việc tôn trọng người khác:
 
      Đem lòng tự tôn của người khác đặt ở vị trí cao nhất. Cố gắng để người khác cảm nhận thấy sự tôn nghiêm của bản thân mình. Tôn trọng người yếu kém hơn mình càng là đáng quý. Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác. Và đặc biệt chúng ta cần luôn ghi nhớ: Luôn tôn trọng sự khác biệt của người khác, bởi đây là quy luật chung của vũ trụ khi hình thành và được sinh ra, luôn tôn trọng cái bản ngã của mỗi người, vì ngay trong ta cũng luôn tồn tại bản ngã. Và mỗi người là một mảnh ghép trong thế giới này, để thế giới luôn trong trạng thái cân bằng theo quy luật của tự nhiên, của nhị nguyên, để luân hồi, vô thường thay đổi tạo ra sự sống và vận động trên trái đất. 
 

 
10. Tích đức từ giữ thể diện cho người khác.
 
       Ở một số tình huống việc “không nể mặt” là một thái độ vô lễ lớn nhất.
      Người phương đông rất xem trọng thể diện vì vậy ở bất cả thời điểm nào cũng nên giành cho người khác một “lối thoát” để giữ thể diện. Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói. Hãy nhớ đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường. Trong một số tình huống, vạch trần người khác là một cái tội đẩy người ta đến đường cùng.
 
 
11. Tích đức từ việc tín nhiệm người khác.

     Người có tính đa nghi trời sinh thì khó có người bạn chân thành.
     Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc.
     Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công.
     Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người.”

 

12. Tích đức từ việc cho người khác sự thuận lợi.

      Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình.
      Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa.
      Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.

 

13. Tích đức từ việc hiểu người khác.

      Mọi người, ai cũng mong muốn người khác hiểu và thừa nhận mình. Hiểu người khác cũng chính là một cách đem lại lợi ích cho người khác.
 

14. Tích đức từ việc giúp đỡ người khác.

      Ai cũng muốn chính bản thân mình Hạnh Phúc vui vẻ, nhưng bản thân cảm xúc của người khác thì lại không quan tâm. Vậy chúng ta hay cho đi nhiều hơn và không mong cầu nhận lại. Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình?  “Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”. Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ. Khi giúp đỡ người khác cũng phải tìm cách để đối phương vui cười mà tiếp nhận. Và giúp người khác chính là cách giúp chính mình, chiến thắng bản thân ích kỷ, tạo lòng vị tha, và bản thân sẽ cảm nhận được hạnh phúc. 
 

15. Tích đức từ việc biết cảm ơn người

      Cảm ơn là một cách ngợi ca cuộc đời.
      Trong cuộc sống, lời cảm ơn kịp thời sẽ khiến mọi người thân thiện với nhau hơn.
      Cảm ơn đối thủ là một cách thể hiện của người có chí khí. Cảm ơn chính là mang lại cho chính mình, khi nhẫn nhịn đó chính là được cho mình. Học hỏi, cảm thông, quan sát, tích lũy

 

16. Tích đức từ đôi tay

       Học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác.
      Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người.
      Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp.
      Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình.

 

17. Tích đức từ lòng nhân ái của bản thân

      Mỗi người đều nên tu dưỡng lòng nhân ái trong mình. Bởi người có tấm lòng nhân ái luôn sống nhẹ nhàng mà lại dễ dàng nhận được sự hợp tác từ người khác.
 

 
18. Tích đức từ lòng lương thiện.

       Không có ai là không muốn làm bạn, làm hàng xóm hay hợp tác với người có tấm lòng lương thiện.
       Người lương thiện có thể thu phục người khác. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.

 

19. Tích đức từ sự biết lắng nghe.

       Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.
 

20. Tích đức từ lòng khoan dung.

      Không thể khoan dung người khác có thể là bởi vì lòng dạ của mình còn quá nhỏ hẹp! Dùng khoan dung có thể cải biến một con người lầm lỗi. Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng chiếm được lòng người khác. Hãy học cách tha thứ khuyết điểm của người khác. Đôi lúc, một quan hệ tốt đẹp là từ nhẫn mà sinh ra đấy!
 

     Trong cuộc sống hàng ngày đầy sôi động, việc Tu nhân tích đức sẽ diễn ra hàng ngày. Các cụ ngày xưa vẫn có câu "Thứ nhất là Tu Tại Gia, Thứ nhì tại chợ, thứ ba Tu Chùa". Ngay trong gia đình để hòa thuận yên vui thực sự rất khó bởi vì thực tế đã có nhiều gia đình không hạnh phúc, sau đó hàng ngày ra chợ, đến cơ quan đoàn thể có phải chúng ta phải chứng kiến rất nhiều việc thị phi của xã hội. Vậy cho nên để tích được chữ "Đức" chúng ta cần phải thực hiện trên những hành động tốt, tích cực, thiết thực. Chữ "Hành" này nếu ai thực hiện được ba điều này: 1. Đức Nhẫn Nhịn, 2 Đức Tùy Thuận, 3 Đức Bằng Lòng thì cuộc sống sẽ an lạc hơn rất nhiều. 

    Vì vậy Phong thủy nói chung, mục đích là mang lại lợi ích cho con người. Nhưng vấn đề này "Phong Thủy" và "Con Người" vậy cái nào là gốc? Con người chính là gốc, còn phong thủy chỉ là phương tiện. Vậy thì tại sao ta không chú trọng đến phần con người trong mỗi chúng ta, hàng ngày tu tập hành thiện tác phước, nỗ lực từng ngày giờ, để cải thiện số mệnh của chính mình,  mà phải đi nhờ vào những năng lượng khác như thuật phong thủy để trợ giúp. Như vậy có phải đây có phải làm tâm mong cầu, dựa dẫm, ỷ lại hay không?. Và khi thực hành các việc Tích Đức đó hàng ngày, thì phong thủy cho bản thân mình tự nhiên sẽ tốt lên. Đây cũng là một cách của Gieo Nhân - Để gặt Quả.  Đó đó từ xưa các cụ mới có câu: "Tiên Tích Đức - Hậu Tầm Long" chính là như vậy./.
- Hoàng Hy -

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)
Đọc tiếp: