Thế đất Lưỡng Long Tranh Châu - Phần 4 - nguyenhoanghy.com

0

 

Thế đất Lưỡng Long Tranh Châu Máu chảy khu Hạc Hải giai thoại phong thủy P 4

✅ Thế đất Lưỡng Long Tranh Châu ➡️với hình ảnh khu nhà từ đường của Thanh Lã Tiên Sinh - Thánh sư địa lý thời Lê, bị phá hủy. Nỗi niềm đau xót bi ai của Thanh Lã bởi chân tài sở học cũng không vượt qua được mệnh trời. Sau khi phá bỏ hàng loạt hiện tượng bất thường, kỳ bí, tai họa giáng xuống dòng họ nhà ông Thanh Lã và biểu hiện đó là Máu Chảy Khu Hạc Hải là nơi làm nhà thờ tự trên mảnh đất Lưỡng Long Tranh Châu này.
THẾ ĐẤT LƯỠNG LONG TRANH CHÂU - PHẦN 4.
MÁU CHẢY KHU HẠC HẢI - GIAI THOẠI VỀ THÁNH SƯ ĐỊA LÝ THANH LÃ TIÊN SINH 
 

 
MÁU CHẢY CHAN HÒA KHU HẠC HẢI
     Ngay sau khi phái công sai về tróc nã Thanh Lã tiên sinh, quan Trấn đã ủy nhiệm cho viên tri huyện sở tại, phải niêm phong ngôi từ đường xây dựng trên khu cấm địa ở làng Mía, để chờ lệnh quyết định của triều đình.

    Sau mấy tháng thẩm vấn, cứu xét vụ án rất kỷ lưỡng, triều đình đã cho áp giải phạm nhân trở về nguyên quán, để chứng kiến cho quân lính phá hủy ngôi nhà thờ họ, mà trước đây không lâu, cũng chính phạm nhân này đã lao tâm khổ tứ, tận dụng khả năng chuyên môn và sức học vấn uyên thâm, để cố tạo nên một kỳ công vĩ đại cho con cháu trong họ được thụ hưởng lâu dài.

    Trước khi tự tay đặt nhát cuốc thứ nhất trên nền nhà, ông Thanh Lã đã thiết lập bàn thờ, khấn vái thổ thần phù chú và đốt liên tiếp ba đạo bùa để xin giải sự trấn yểm lúc trước.

    Sau đấy quân lính mới ùa vào gở mái chặt cột, phá móng đào nền...
 


    Nhà phong thủy thẩn thờ, ngây dại đứng nhìn công trình xây dựng của mình với bao mồ hôi, nước mắt, phút chốc bị đổ vở tan tành.

   Còn đang bơ phờ, ngao ngán, thầy địa lý chợt rùng mình, toàn thân như bị một luồng gió độc luồn qua kẻ phổi, khe gan, rồi sấm sét bỗng nổi dậy vang rền, mặc dầu trước đấy, trời rất quang đảng, mây xanh từng đám, nhẹ nhàng chuyển vận theo làn gió cuối thu mát mẻ, dịu dàng, không có một triệu chứng nào báo hiệu một cơn mưa gió phủ phàng !

    Vậy mà chỉ trong khoảnh khắc, lúc đám lính huyện đang hò hét phá hủy ngôi từ đường trên vùng cấm địa, trời đất bỗng chuyển động ầm ầm, từng luồng chớp xanh lè, nối tiếp nhau hiện lên cùng một lượt với những tiếng gầm thét kinh thiên động địa của lôi thần, rồi mưa tuôn xối xả, gió giật đùng đùng làm tung bay cả những tàu lá cọ, vừa được giở từ trên mái nhà xuống !

    Trận mưa tầm tả, như những tỉnh nước khổng lồ bị trút ngược xuống trần gian, kéo dài từ đầu giờ Tỵ đến cuối giờ Mùi mới ngớt hạt, khiến cho những nứa lá bị gỡ, trôi mất hết, kiểm soát lại, thì ngôi nhà thờ năm gian chỉ còn trơ lại mấy cây cột cái, với một mớ đòn tay !

     Cả khu Hạc hải đều bị ngập nước mưa sâu tới quá gối !

     Đó là một trường hợp lạ lùng, không hề thấy xãy ra lần nào ở mấy làng Báo Văn, Mông Sàng, Mông Phụ, từ trước tới nay, vì thường nhật, những năm trời làm lụt lội không kể, cả mấy thôn xã trong vùng, chưa từng bị lụt nước mưa bao giờ !

     Mọi khi , dù mưa to gió lớn, đến đâu, kể cả những trận mưa giầm rã rích liên tiếp nhiều đêm ngày ròng rã, hay trong suốt tháng Ngâu, (tháng bảy), nước mưa, nếu không thấm được hết vào lòng đất, thì cũng trôi xuống các cống rãnh, rồi chảy tuốt qua những hồ ao rải rác ở khắp các thôn xóm, chư có đâu bị ứ động lại một cách kỳ dị nhu trận mưa hôm lính phá nhà thờ của ông Thanh Lã ?


 
    Ngay chiều hôm ấy, khi công việc phá hủy từ đường hoàn tất, nhà phong thủy lại phải theo lính về trại giam trên Huyện, để sáng hôm sau, lai kinh chịu tội.

    Nước mưa vẫn ứ đọng khắp khu Hạc hải vừa đúng bảy ngày bảy đêm mới cạn hết.

    Nhưng trên mặt đất, từ đấy lại luôn luôn rỉ ra một chất nước đỏ sẩm như máu tươi.

    Mà lạ lùng hơn nữa, hiện tượng quái dị ấy, lại chỉ thu hẹp trong phạm vi nền nhà vừa mới bị phá hủy, chứ chung quanh đấy, chẳng nơi nào giống thế cả !

    Mấy bà già thấy vậy, hoảng sợ, vội lấy tro đổ lên, song vô ích; thứ nước đỏ, phảng phất có mùi tanh in hệt chất máu tươi, vẫn cứ ngày đêm rỉ ra, đều đều, không khác gì mồ hôi tiết qua lổ chân lông của một người đang đi dưới bầu trời nắng gắt !

   Những ông già, bà cả trong làng cho rằng long mạch kiểu đất lưỡng long tranh châu đã bị đứt, nên mới có điềm kỳ dị ấy.


   Nào đã hết đâu !

    Cây đa bảy rễ ở đầu xóm Thượng, một nơi nổi tiếng linh thiêng trong vùng, từ bao nhiêu năm trời nay từng được dân làng đặt nhiều bình nhang ở các hốc cây và treo các thứ hài, nón trên cành, bỗng dưng bị khô héo dần, rồi chết rũ, cùng một lúc với hai cây ngọc lan trồng ở sân đình.

   Quái gở hơn nữa, là sau đấy chừng mười hôm, giữa thân cây đa cổ thụ tự nhiên lại có một đôi rắn dài chừng năm thước ta, lớn bằng bắp vế, một con màu đỏ, một con màu xanh, nàm cuộn tròn trong hốc cây, đầu luôn luôn hướng thẳng về phía đình làng, chốc chốc lại rít lên từng hồi như tiếng còi lãnh lót, cực kỳ rùng rợn, khiến nhiều người yếu bóng vía không còn dám đi qua con đường ấy nữa.

   Cũng từ hôm phá ngôi từ đường, đêm đêm, cứ giờ Tí trở đi, một số dân cư trong làng, đi kéo vó hay đi đơm cá, thường được thấy giữa khu Hạc Hải, hiện lên một vùng ánh sáng xanh rờn, lớn bằng quả cam, múa lôn, bay lượn chung quanh vùng cấm địa, rồi trong khoảnh khắc, tan vở thành ngàn vạn mảnh vụn, vàng tím đủ màu, bắn tóe ra khắp bốn phía giống hệt những tia sáng như hoa cà, hoa cải, như khi người ta đốt cây pháo bông vậy !

    Đồng thời, từ giữa lòng đất lại văng vẳng phát ra những tiếng nức nở, nghẹn ngào, rên la rền rĩ như quỹ khóc ma kêu, khi rõ ràng như trước mặt, khi mơ hồ như ở cõi xa xăm, hòa cùng tiếng giun rế, nỉ non, gió đêm xào xạc tạo thành một điệu nhạc quái đản, rùng rợn, làm ớn xương sống những chàng thanh niên ngỗ nghịch nhất trong làng !

    Nạn trôm cướp xãy ra như cơm bữa, hết ở xóm này, lại qua xóm khác, khiến cho mọi người, nhất là những gia đình có máu mặt, ăn ngũ không yên, vì từ bao đời nay, có ai bị mất trộm, mất cướp bao giờ đâu.

    Tuy không được hưởng cuộc sống thanh bình như thời Nghiêu Thuấn : ban đêm nhà không phải đóng cửa, ban ngày chẳng ai thèm nhặt của rơi, nhưng dân cư người nào cũng biết an phận làm ăn, chẳng ai có tính tham lam gian trá ?

    Vậy mà những thuần phong, mỹ tục ấy, phút chốc biến đâu mất hết, để nhường chỗ cho bọn trộm cướp hoành hành, làm mưa, làm gió !
 


    Thế rồi, cứ đúng bảy hôm, lại xãy ra một vụ hỏa hoạn, mặc dù các hương lý, kỳ hào sau khi thấy mấy vụ cháy liên tiếp, đã phải chia phiên nhau, đích thân hướng dẫn tuần đinh, đi canh gác khắp các hang cùng, ngõ hẽm ở trong làng, để thấy ai hay lơ là, cẩu thả không chịu giữ gìn củi lửa, là cảnh cáo hay phạt vạ ngay tức khắc !

    Nhưng tất cả mọi sự đề phòng cẩn mật của các chức dịch hương lý, cũng đều hóa ra vô ích, khi các vụ hỏa hoạn cứ đúng bảy ngày một lần, diễn ra rất đều đặn, như có bàn tay vô hình nào đó, sẳn sàng chờ đến hạn kỳ, là châm lửa đốt nhà tức khắc.

    Có điều nạn nhân hỏa hoạn, hết thảy đều là những người khá giả, giàu có ở trong dòng họ nhà ông Thanh Lã, chứ dân cư họ Trần hay các họ nhỏ khác, đều không có nhà nào bị cháy hết !

    Tình trạng bi đát, hổn loạn ấy, kéo dài vừa đúng ba tháng mười ngày, tính từ hôm bắt đầu triệt hạ ngôi từ đường kiến tạo trên khu Hạc Hải, thì bỗng nhiên đôi rắn có màu im bặt tiếng rít thường lệ, khiến dân làng nghi ngờ, tó mò rũ nhau đến gần xem xét.

    Trước họ còn đứng xa nhìn ngắm, sau thấy chung quanh yên lặng như tờ, không xãy ra gì nguy hiểm, kỳ dị, họ liền tiến đến gần gốc cổ thụ, đã chết khô cả cành lá từ lâu và ngạc nhiên, cùng reo hò một lượt, như biểu lộ sự mừng rỡ hân hoan khi nhận thấy đôi rắn lớn nằm cuộn khúc đã chết rũ trong hốc cây đa tự bao giờ.

    Cũng từ đấy sự yên ổn lần hồi trở lại với dân làng : các chứng bệnh thời khí, hại người, hại vật không còn hoành hành, gieo rắc tai họa đau thương như mấy tháng trước nữa.

    Đồng thời, nạn hỏa hoạn cũng hết luôn, chất nước đỏ sẩm như máu tươi cũng không còn tiết ra suốt ngày đêm, trên nền nhà thờ khu cấm địa nữa.

    Nhưng trong lúc dân làng vui mừng được hưởng thụ sự bình yên, tai qua nạn khỏi, không phải sống hồi họp, lo âu từng giờ từng phút trước cảnh đe dọa hải hùng, như tình trạng bi đát đã xãy ra sau ngày Thanh Lã tiên sinh bị bắt, chỉ riêng dòng họ nhà tiên sinh, liên tiếp phải chịu đủ thứ tai ương thảm khốc.

   Người con trai lớn của tiên sinh, năm ấy mới mười tám tuổi, đang được tiên sinh ký thác cho ông Cử Ba ở phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để rèn luyện kinh sách, văn bài, chờ nạp quyển dự kỳ Hương Thí năm sau, bỗng không đau ốm gì lăn ra chết.

   Ở quê nhà, hai đứa cháu gọi Thanh Lã tiên sinh bằng Bác họ, con trai hai người em họ, thuộc về hai chi dưới trong dòng họ của tiên sinh, cũng tự nhiên trợn mắt, sùi bọt mép, ngã quay dưới đất, rồi cứ thế, lịm dần... tắt thở.

   Nhưng đau đớn hơn hết, là trường hợp đứa con út của tiên sinh, mới ra chào đời một tháng, sau ngày hoàn thành khu từ đường, mà tiên sinh yên trí đó là đứa trẻ thụ hưởng sự kết phát hiển hách hơn hết cả, trong bao nhiêu người khác ở trong họ. Mà quả thực đứa trẻ này cũng có nhiều điểm dị kỳ, khác hẳn những hài nhi cùng trang lứa, vì hôm hạ sanh nó, đúng vào giờ Tí ngày mùng một tháng tám, trong căn buồng kín mít, chỉ le lói có một ngọn đèn dầu tràm, bỗng lờ mờ như có anh trăng lọt qua khe cửa, mặc dù lúc bấy giờ, nhằm vào nửa đêm đầu tháng, cả bầu trời như trùm phủ một bức màn vỉ đại tối đen !

   Rồi, ánh sáng lờ mờ, cứ mỗi phút một rõ ràng thêm, để đến lúc đứa bé chào đời, thì cả gian buồng tràn ngập ánh sáng êm dịu, như bóng trăng rằm chiếu rọi xuống giữa sân vậy !

   Hiện tượng kỳ dị này, vụt biến mất ngay sau tiếng khóc đầu tiên chào đời của đứa bé, không những thế, liên tiếp theo đấy, trời đất bỗng dưng lại còn nổi cơn giông tố, sấm chớp ầm ầm, mưa tuôn sối sả, mãi tới gần sáng mới ngớt hạt.

   Đứa bé khôi ngô, đỉnh ngộ lạ lùng. Nó cứng rắn khác hẳn những đứa trẻ sơ sinh và đặc biệt hơn nữa, ở lòng bàn tay bên trái, lại có một dấu son đỏ chói, giống hệt một chiếc ấn vuông vắn, còn bàn tay mặt thì ở ngón chính giữa, có một đường chỉ chạy dài rất rõ ràng, ăn thẳng từ đầu ngón tay xuống tới cườm tay, mà lạ lùng hơn cả, dưới lóng thứ ba, lại có một chỉ dài chạy ngang gần suốt lòng bàn tay, song song với một đường chỉ khác, ngắn hơn, nàm ngang trên cườm tay chừng hai ba phân, trông phảng phất như chữ " sĩ " vậy.

   Đứa trẻ, trừ mấy tiếng oa oa lúc chào đời, suốt từ khi đẻ ra cho đến hôm Thanh Lã tiên sinh bị bắt, không hề khóc một tiếng nào.

   Trái lại, nét mặt nó lúc nào cũng tươi tỉnh, như muốn chuẩn bị một nụ cười hồn nhiên giữa hai vành môi đỏ chót.

   Nó hay ăn chóng lớn khác thường, biết lẫy, biết ngồi trước cả thời gian quy định trong ca dao, nên Thanh Lã tiên sinh yêu quí như nén vàng mười, thường tiên đoán : nó sẽ là thần đồng, ứng vào điểm kết phát hiển hách của kiểu đất " lưỡng long tranh châu" !

   Nhưng " mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ", lòng người dù muốn, mà trời xanh không cho, cũng không sao cưỡng nổi " thiên mạng ", mặc dù kẻ muốn soay chuyển thời cơ có đủ tài trí thông kim, bác cổ, quán triệt âm dương, am tường lý số !

   Đó là trường hợp ông Thanh Lã, người nổi danh " Thánh sư địa lý " dưới triều Lê, một nhà phong thủy chân tài, thực học, đã khám phá được kiểu đất quý trong khu Hạc Hải, nhưng lại không có cái cái diểm phúc thụ hưởng và cam chịu sống trọn đời trong cảnh tối tăm đau khổ.

   Hôm Thanh Lã tiên sinh bị bắt, đứa trẻ vẫn ăn chơi, vui đùa như thường.

   Nhưng từ ngày tiên sinh phải áp giải về nguyên quán để chứng kiến sự phá hủy ngôi từ đường, thì tự nhiên đứa bé bỏ ăn, suốt ngày đêm, khóc ra rả, dỗ dành thế nào cũng không chịu nín.

   Rồi đến ngày mùng một tháng sáu, cũng đúng vào giờ Tí, nó bỗng thở rống lên mấy hơi dài, buông sui hai tay, mắt mở trừng trừng nhìn thẳng lên trần nhà...

   Người nhà tưởng nó khóc nhiều, mệt mỏi, nằm nghỉ, nhưng khi sờ vào mình nó, thì toàn thân nó giá lạnh như đồng, tim mgừng đập từ bao giờ không rõ !

   Sáng hôm ấy, chính là ngày ông Thanh Lã phải chịu cực hình : đổ chì vào hai mắt !


 
   Làng Mía sau đấy bị xơ xác tiêu điều tới mấy chục năm ròng rã, cho mãi đến trận bảo lớn năm Nhâm Thìn, theo lời một nhà địa lý ở miền xuôi, có dịp sinh sống nhiều năm quanh vùng Mông Phụ, Mông Sàng, khu cấm địa Hạc Hải mới phục hồi long mạch nguyên vẹn như trước./. 
 - Hoàng Hy sưu tầm -

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)
Đọc tiếp: