Thế đất Lưỡng Long Tranh Châu - Phần 2 - nguyenhoanghy.com

0

 

Thế đất Lưỡng Long Tranh Châu - Phần 2

✅ Thế đất Lưỡng long tranh châu - chỉ vì lời khiêu khích. Hơn ai hết, Thanh Lã tiên sinh biết rõ nền âm công phúc trạch của dòng họ nhà mình, tính cho đến đời tiên sinh, quả thực không lấy gì làm đặc biệt cho lắm để khả dĩ được xứng đáng thụ hưởng sự giàu sang, phú quý của Tạo Hóa dành cho, mặc dầu, căn cứ theo lời ghi chép trong gia phả, ông cha tiên sinh vẫn luôn luôn giữ được nền nếp nho phong, đức hạnh, từng được dân trong vùng mến yêu, kính nể.
THẾ ĐẤT LƯỠNG LONG TRANH CHÂU - CHỈ VÌ LỜI KHIÊU KHÍCH
GIAI THOẠI PHONG THỦY VỀ THANH LÃ TIÊN SINH - THÁNH SƯ ĐỊA LÝ VIỆT NAM ĐỜI LÊ

 



CHỈ VÌ MỘT LỜI KHIÊU KHÍCH


      Hơn ai hết, Thanh Lã tiên sinh biết rõ nền âm công phúc trạch của dòng họ nhà mình, tính cho đến đời tiên sinh, quả thực không lấy gì làm đặc biệt cho lắm để khả dĩ được xứng đáng thụ hưởng sự giàu sang, phú quý của Tạo Hóa dành cho, mặc dầu, căn cứ theo lời ghi chép trong gia phả, ông cha tiên sinh vẫn luôn luôn giữ được nền nếp nho phong, đức hạnh, từng được dân trong vùng mến yêu, kính nể.

     Kiểm điểm lại công đức của tiền nhân từ hai mươi đời nay, tiên sinh thấy các Cụ tuy cũng sốt sắng giúp đở người bần hàn, túng thiếu, từng góp công, góp của khá nhiều trong các việc đúc tượng, xây chùa, dựng cầu, cất quán, song âm công phúc trạch ấy, vẫn không đủ cho con cháu thụ hưởng sự kết phat vẽ vang đến tột độ, do kiểu đất " lưỡng long tranh châu" đem lại !

     Cứ theo sự hiểu biết của tiên sinh, thì sau khi xây dựng được hoàn toàn ngôi nhà thờ họ, trên khu đất Hạc Hải ở làng Mía, chỉ trong vòng bách nhật (100 ngày), tất cả mọi ngành trong họ nhất là chi trưởng, sẽ làm ăn phát đạt, thịnh vượng một cách mau chóng lạ lùng !

     Đồng thời chỉ ba năm sau, do những sự tình cờ dung rủi, trong họ thế nào cũng có người làm tới Đế Vương, công hầu, khanh tướng.

    Còn quan lại, văn võ từ nhị, tam phẩm trở xuống thì không biết bao nhiêu mà kể nữa, vì bất cứ ai trong họ, một khi đã cắp sách đi học theo nghiệp văn, hay cầm thanh kiếm múa men theo nghề võ, cũng đều hiển đạt, được hưởng lộc nước ơn vua suốt lượt ! đó là sự kết phát về con trai.

    Còn về nữ giới, thì con gái trong họ, nếu không được tuyển vào cung làm hoàng hậu, quí phi, thì cũng lấy được chồng khoa bảng, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong triều, để cuối cùng, cũng nghiểm nhiên được là mệnh phụ phu nhân, ra hài vào bẩm, ngựa xe rộn rịp, võng lọng nghênh ngang, danh giá không kém gì con trai trong họ.
 


 

    Có thể nói : đó là một kiểu đất cực kỳ quý báu, hàng ngàn năm mới kiếm nổi một ngôi, chớ chẳng dễ dàng gì như những ngôi mả kết phát vinh hoa phú quý trong phạm vi bình thường chỉ có công dụng tồn tại chừng năm ba chục năm, rồi thế nào cũng lại suy sụp như trăm ngàn kiểu đất khác ở rải rác khắp nơi trên đất nước này.

    Một nhà phong thủy chính tông Trung Quốc, trên con đường theo dõi long mạch kiểu đất " Cữu Long triều đế khuyết " phát nguồn từ dãy Thập Vạn Đại Sơn, vượt biên giới qua Việt Nam, khi đến làng Mía, được nhìn thấy khu vực Hạc Hải, trên có xây dựng một ngôi từ đường, kiểu cách, phương hướng rất chính xác, đúng theo lời chỉ dạy chân truyền của những thầy địa lý chính tông, có chân tài, thực học, thì cả kinh, vò đầu, bứt tai, lầm bầm đầy tiếc hận :

  - Tiếc thay ! tiếc thay ! Một kiểu đất hiếm có ở trên đời, chẳng cứ khó tìm thấy ở Nam bang mà ngay đến cả bên Trung Hoa, đất vuông tới ngàn vạn dậm, nhưng đốt đuốc trọn đời, cũng chẳng mấy khi kiếm được nổi một ngôi đất tương tự ?

    Cha chả ! Tay nào khám phá nổi kiểu đất kỳ dị này, hẳn cũng là một bậc kỳ tài trong thiên hạ, mới có mắt xanh nhận định được những nét huyền bí tàng ẩn trong khu đất trủng thấp, mà nếu chỉ nhìn sơ qua bề ngoài, không một ai lại co thể ngờ rằng : đây là một kho tàng vô giá, dành riêng cho người hữu phước, được hưởng thụ đủ các thứ : phú quý, thọ, khang ninh ở trên đời !
 


     Càng chăm chú quan sát khu Hạc Hải, nhà phong thủy Trung Hoa lại càng say sưa, đứng ngây mặt nhìn sững hàng giờ không biết chán, tự trách mình đã quá chậm chân, nên người nào đó mới chiếm được ngôi đất quý báu ấy, để làm nhà thờ họ, tạo nên sự kết phát cho cả một dòng họ to lớn. Chứ nếu ông ta nhanh chân đến được nơi này sớm hơn chút nữa, thì tìm thấy khu vực này, chắc sao cũng cố vận động, bằng tất cả mọi phương pháp, không quản ngại gì tốn kém công phu để chiếm đoạt cho kỳ được môn bảo vật vô giá ấy !

    Nhưng rồi lão tự an ủi : có lẽ đó cũng là số phận an bài của Tạo Hóa, hoặc do tổ tiên nhà lão kém phúc trạch, âm công : hoặc bởi lão chưa gặp vận hanh thông, hưng thịnh, nên mới xui khiến cho lão la cà trên đường đi từ Tứ Xuyên qua Bắc Việt, làm cho hành trình bị chậm trễ mất bảy, tám tháng trời, một thời gian khá dài, đủ cho người nào đó xây dựng được trọn vẹn tòa từ đường trên khu cát địa !

    Cuối cùng, không sao ngăn chận được tính hiếu kỳ và lòng tiếc hận, nhà phong thủy Trung Hoa liền hăm hở dò những người quanh đấy để tìm vào hội kiến Thanh Lã tiên sinh.

    Đôi bạn đồng nghiệp tuy không đồng hương, đồng quán, nhưng lại vốn cùng xuất thân nơi cửa Khổng sân Trình, cùng theo đuổi một mục đích chung : lê gót giang hồ đi khắp mọi nơi trong thiên hạ, để tìm kiếm những kiểu đất quý báu, kỳ dị rồi xem nhà nào dày âm công, phước trạch sẽ táng giúp, hầu khuyến khích mọi người tu nhân, tích đức.

   Hơn thế, nhờ cùng thông hiểu Hán Tự, nên dù ngôn ngữ bất đồng họ cũng có thể dùng lối bút đàm nói chuyện với nhau một cách dễ dàng.

   Duyên kỳ ngộ giữa đôi bạn cùng nuôi chung một chí hướng, đã làm cho họ vượt qua được mọi trở ngại, ngỡ ngàng của buổi sơ giao hội kiến, để đi ngay vào truyện tâm tình tri kỷ.

    Theo lời thuật của nhà phong thủy Trung Hoa, thì ông ta đã đi theo một mạch đất từ bên Tàu, qua biên giới đến quá Lạng Sơn chừng năm mươi dặm, thì lạc mất dấu vết.

   Không ngờ đi tới đây, ông ta lại thấy kiểu đất lưỡng long tranh châu, so với kiểu đất ông ta đang tìm kiếm, tuy chẳng bằng một nửa, song cũng thuộc vào loại kỳ tú, hiếm có ở trên cõi đời này.
 


 

      Thanh Lã tiên sinh cũng không dấu diếm nói hết những đặc điểm thiêng liêng quái dị của ngôi đất cho người bạn mới nghe, và không quên khiêm tốn yêu cầu :

    - Duyên hạnh ngộ xui khiến cho đôi ta gặp nhau, vậy nếu tiên sinh không chê tôi tài sơ, trí thiển, thì thấy có gì sai lệch, không đúng với lời chỉ dạy của thánh hiền, dám xin tiên sinh vì cảm tình đặc biệt, dạy bảo cho.

    Nhà phong thủy Trung Hoa quơ tay, phác một cử chỉ chối từ, rồi mới khiêm nhượng trả lời :

   - Không, không có gì sai lệch hết !

- Tất cả đều đúng theo phép tắc địa lý chính tông.

   Có điều, gian chánh tẩm, thiết lập bàn thờ tổ phụ hơi thấp một chút, trong lúc bốn gian ở hai bên lại cao quá. Như vậy, tôi e rằng sự kết phát sẽ bất lợi một phần nào cho những người thuộc về chi trưởng trong dòng họ.

   Thanh Lã tiên sinh bề ngoài, tuy gật đầu tán thành ý kiến của người bạn mới, song trong thâm tâm, tiên sinh không cho là phải mà nghĩ thầm rằng :

 - Trước khi quyết định xây dựng ngôi từ đường này, mình đã khổ công nghiên cứu hàng nửa năm trời, đến nổi quên ăn, bỏ ngũ, nghe đồn ở đâu có sách hay thầy giỏi, cũng cố lần mà tìm đến để tham khảo ý kiến, hay mượn sách quý về tra cứu, cực kỳ công phu vất vả.

    Nhờ đó mới hoàn thành được một ngôi từ đường toàn bích, đem lại sự kết chắc chắn, chẳng những cho riêng mình, mà còn cho tất cả các chi khác trong họ nữa.

   Vậy mà giờ đây, người bạn mới này lại chê bai, chỉ trích gian chánh tẩm và bốn gian kế cận thì quả thực là chuyện lạ lùng, hầu như vô lý vậy ?

   Sau cùng, tiên sinh kết luận : có lẽ thầy địa lý chính tông Trung Hoa này cũng không thoát khỏi cái bịnh " sú diện ố nga my " vốn là một cố tật bất di, bất dịch của những người cùng làm một nghề, nên muốn phá nhau, ông ta mới sui dại tiên sinh như vậy.
 


      Nhân dịp này, tiên sinh còn mời thêm một viên đề lại họ Phạm ở trên huyện, để giới thiệu với người bạn đồng nghiệp Trung Hoa, vì ngày thường, viên đề lại, cũng tỏ ra là người thức thời, lịch duyệt, văn chương, thi phú, dù không phải là bậc kỳ tài trong thiên hạ, song, trong mấy làng Mông Phụ, Mông Sàng, viên đề lại vẫn nổi danh là tay thông kim bác cổ.

     Tiên sinh kết giao với viên đề lại cũng không phải là không có dụng tâm, sâu sắc, nhất là đối với một người có tâm hồn sảng khoái, khinh thế ngạo vật, coi rẻ lợi danh, phú quý như tiên sinh thì có bao giờ lại chịu giao du mật thiết với một viên đề lại, quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng trù mưu tính kế, để thay đen đổi trắng án từ, soay sở bóc lột dân lành và tìm cách su phụ xiểm nịnh quan trên, mong các bậc "phụ mẫu dân" ngó lơ, cho y mặc tình làm mưa, làm gió, tác phúc, tác oai !

     Tư cách, cũng như tâm tính những viên thông lại, đề mục đã được phản ảnh rõ rệt, vô cùng xác đáng, qua câu phương ngôn "một đời làm lại, bại hoại ba đời " !

    Sở dĩ thiên hạ chỉ biết kết tội bọn thông lại, đề lại, mà không lên án các quan phủ, huyện chỉ là vì các án văn, tố tụng ở các vùng thôn quê, hết thảy đều do ngòi bút của các thầy đề, thầy thông cấu tạo nên, chỉ một nét bút của họ, cũng đủ làm tán gia, bại sản một gia đình hào phú, chỉ một lời thêm bớt của họ, cũng đủ khiến cho người dân lương thiện bị tù đày, khảo tra khổ cực !

    Biết bao mối oan khiên, khốc liệt đã xảy ra vì ngòi bút của bọn sai nha tham lam, thâm độc !

    Biết bao nhiêu việc bất công vô lý, đã do lũ ruồi nhặng tạo ra, làm người dân thấp cổ, bé miệng, đành cam chịu đau đớn, không còn biết kêu đâu cho rõ trắng đen, thực giả ?

    Thanh Lã tiên sinh, biết rõ hơn ai hết những tệ đoan ấy của bọn sai nha, nên trước kia, viên đề lại họ Phạm thường muốn tìm cách kết thân, tiên sinh cũng cố tình lãng tránh, mặc dầu tiên sinh vẫn khéo léo, mềm mỏng trong ngôn từ, cử chỉ để không làm thương tổn đến lòng tự ái của viên đề lại họ Phạm.

    Tiên sinh vẫn tự nhủ thầm : sẽ mãi mãi duy trì sự giao du hời hợt này, chứ nhất định không chịu chơi bời mật thiết với loài tẩu cẩu nguy hiểm ấy, e có khi vì quyền lợi riêng tư, y cũng có thể bán đứng tiên sinh để mưu cầu chút lợi danh, chung đỉnh !

    Nhưng đến khi tiên sinh tìm được kiểu đất Hạc hải, xây dựng ngôi từ đường trên trái châu giữa hai con thần long, thì tiên sinh không thế nào giữ được vẻ lạnh lùng, thơ ơ như trước nữa !

   Tiên sinh dư hiểu sự bới móc, soi mói, ghen ghét, dèm pha của bà con nơi thôn xóm mỗi khi họ thấy có ai hơn họ về cách này hay cách khác !

   Kiểu đất Hạc Hải, dù đã được tiên sinh giữ gìn rất kín đáo, cũng không che đậy được lâu dài, trước sự tò mò của mọi người, nên chỉ hai tháng sau, dân làng đều biết hết.

   Thế là đứng đâu, ngồi đâu, họ cũng đem truyện địa lý ra bàn tán sôn sao, với những sự thêu dệt, vẽ rắn thêm chân, khiến cho chính Thanh Lã tiên sinh, nhiều lúc, cũng phải ngở ngàng, trước những chi tiết bịa đặt, cực kỳ khéo léo, lớp lang rất chu đáo, tế nhị !

    Hơn nữa, khu Hạc Hải từ bao nhiêu đời trước, vẫn là vùng cấm địa ở làng Mía, không một ai được phép sử dụng sở hửu chủ thửa đất ấy.

   Các ông già, bà cả cũng không người nào biết rõ nguyên do nào sui khiến làng xóm phải ra lệnh cấm xây dựng nhà cửa trên thửa đất này ?

   Người ta chỉ biết lơ mơ rằng đó là lệnh cấm đã có từ lâu lắm rồi, hết đời nọ, qua đời kia, lâu dần biến thành luật lệ bất di, bất dịch, mà tất cả những người sinh sống trong vòng rào lủy tre xanh làng Mía phải triệt để phục tùng.

   Mãnh lực quái dị sui khiến cho dân làng phải răm rắm tuân theo lệnh cấm ấy, chỉ là vì mỗi khi có một kẻ ngỗ nghịch, ngang bướng nào đó không chịu tin một việc mà hắn cho là dị đoan mê tín hảo huyền, cứ nhất định kiếm tre lá làm nhà trên thửa đất này, thì tức khắc làng xóm bị động trệ, tứ tung : người lớn, trẻ con đau ốm suốt lượt, trâu bò, gà lợn chết toi, đến nổi chôn không kịp !

   Rồi bất thình lình lại phát cháy cùng một lúc ở nhiều nơi khác nhau.

   Và kỳ dị, đáng ghê sợ hơn nữa là cứ mổi đêm từ giờ Tí trở đi, là trên các ngã đường, nhất là ở sau đình và trước cổng chùa luôn luôn có tiếng gươm giáo va chạm vào nhau loảng soảng, hoà với tiếng ngựa hý, quân reo, tạo thành một âm thanh rụng rời, ma quái !

   Trong ba ngày đêm liên tiếp, nếu các kỳ hào, hương chức trong làng không can thiệp, bắt kẻ ngang bướng phải lập tức triệt hạ căn nhà kia đi, thì đến ngày thứ tư, thế nào một vị bô lão cao niên nhất ở trong làng, cũng đạp đồng lên, đang tự nhiên, mặt mũi bỗng đỏ gay như người say rượu, rồi vừa đi ra đình, vừa hò hét om sòm, quở mắng hương chức, lý dịch, đã không giữ gìn được trọn vẹn trật tự ở trong làng, để đến nổi có kẻ dám ngang nhiên chiếm đoạt khu đất linh thiêng của thần thánh !

   Rồi vị bô lão ấy ra mở cổng đình, chạy vào chánh điện, nhảy lên bàn thờ Thành Hoàng, ngồi chểm chệ, hoa tay lên không khí như múa may, phù phép chi vậy !

   Thế là kẻ ngang bướng, làm nhà trên khu cấm địa, bị hộc máu tươi, chết ngay không kịp trăn trối nữa lời.

   Theo lời các ông già, bà cả thuật lại, thì từ trước tới nay, đã có tới năm người bị chết bất đắt kỳ tử như thế rồi !
 


     Từ ngót một trăm năm nay, tuyệt nhiên không còn một ai dám " chơi dại " trêu vào uy lực của Thánh Thần, nên cả thửa đất cấm ở làng Mía bỏ mặc cho cỏ lau mọc cao lút tới đầu người, làm sào huyệt vững chắc cho các loài chuột, rắn !

   Nay đột nhiên, Thanh Lã tiên sinh lại bí mật điều đình với chủ đất, chịu bỏ ra một món tiền khá quan trong để mua lại thửa đất, cỏ mọc um tùm, bao trùm, không biết bao nhiêu chuyện quái đản, dị kỳ !

   Ngay hai bên mua bán chính thức làm văn tự, một số người hiếu kỳ đó không ngớt lời chê bai Thanh Lã tiên sinh là ỷ tài, cậy của, nên mới điên rồ, bỏ ra một số tiền lớn, để tự rước lấy " cái nợ mươi đời ", vì mặc dầu biết tiên sinh thông thạo cả nho, y, lý, số, người ta cũng vẫn không tin rằng, tiên sinh lại có đủ tài năng, chế ngự được uy quyền tối linh của thần thánh, mặc nhiên coi khu đất linh thiêng ấy như một nơi bất khả xâm phạm ở trong vùng ?

   Thanh Lã tiên sinh chỉ mỉm cười, trước những lời phê bình cay nghiệt, của dân làng và lẳng lặng bắt tay vào việc.

   Với tất cả tài học sở trường về môn phong thủy, thâu lượm được trên bước đường giang hồ phiêu lãng, tiên sinh cố sức trấn yểm khu đất thiêng liêng quý giá để mong xây dựng ngôi nhà thờ theo lời yêu cầu của bà con trong họ.

   Trong thời gian ấy, tiên sinh đã phải đối phó rất cam go, nguy hiểm với một bọn người, cố ý kiếm chuyện để định phá rối tiên sinh, vì họ biết chắc rằng nếu tiên sinh dựng được chu đáo ngôi từ đường, thì nhất định dòng họ nhà tiên sinh, sẽ được hưởng thụ sự kết phát vô cùng hiển hách !

    Một mặt phải đối phó với sức phá rối của một số dân làng ngang bướng, một mặt tiên sinh phải sử dụng khả năng chuyên môn, để công cuộc trấn yểm đem lại kết quả mỹ mản, thì mới có thể tiến hành việc xây dựng được ngôi từ đường.

   Đó thật là một công trình gian nan khó khăn đến cực độ, vì thầy địa lý trong trường hợp này, nếu chỉ non tay ấn một chút có thể bị thần thổ địa quật chết ngay trong nháy mắt !

    Muốn rảnh tay, để tập trung tất cả khả năng vào công việc trấn yểm, tiên sinh buộc lòng phải giao dịch với viên đề lại họ Phạm, mong nhờ uy thế viên lại mục khét tiếng là cơ mưu sâu sắc nhất ở trong huyện, để bịt miệng dân làng, không cho một ai được phép khiếu nại, hay chỉ trích về sự xây dựng ngôi nhà thờ trái phép của tiên sinh.

   Trong thời phong kiến xa xưa, khi chế độ quan liêu còn cực thịnh ở trên đất nước này, thì uy quyền của một viên thông lại, đề mục, luôn luôn được đồng bào thôn quê coi như thần minh, thánh sống, có khi còn được mọi người kính nể, quý trọng hơn cả những vị phụ mẩu chi dân chánh cống !

    Biết rõ được tâm trạng ấy của bà con thôn xóm, Thanh Lã tiên sinh đành ép mình giao du mật thiết với viên đề mục họ Phạm, để mỗi khi có cơ hội chè chén, tiệc tùng với nhau, tiên sinh lại không quên nhắc đến dụng tâm phá rối của một số dân làng, trước công cuộc xây dựng từ đường của tiên sinh, và khôn khéo yêu cầu viên đề mục, nếu có nhận được đơn từ khiếu nại về việc đó, thì xin vì tình tri kỷ bác bỏ hay quở trách nguyên đơn, để họ không dám theo đuổi sự quấy rối tiên sinh nữa.
 


     Một lời nói của đám sai nha, thân tín của các quan phủ huyện ngày xưa, đã có một giá trị cực kỳ quan trọng.

     Nó như quyết định được cả tính mạng của người dân thấp cổ bé miệng, vì chỉ cần một lời thêm bớt ra của bọn sai nha viết trong biên bản đệ trình lên quan trên, là đủ làm cho một người vô tội bị tù đày, một phú nông phải táng gia bại sản hay trái lại một tên sát nhân được ung dung, sống tự do giữa rừng người lương thiện hoặc dung túng một kẻ ác bá cường hào tha hồ lấn bờ, cướp ruộng của bà con nghèo khó, làm mưa, làm gió như một "thảo khấu đại vương" ở nơi thôn xóm !

    Dòng họ Thanh Lã tiên sinh, cũng không phải là cùng đinh, lép vế gì mà thực ra, thì từ mấy đời gần đây, vẫn kế tiếp có người đảm nhiệm những chức vụ quan trọng ở trong làng, nhất là từ khoảng hơn hai mươi năm nay, hầu hết những vai trò then chốt trong đám kỳ hào, hương lý, đều do người trong họ tiên sinh nắm giữ cả !

   Nhưng không phải vì thế, mà tiên sinh có thể tự do, muốn xây cất nhà thờ trên khu cấm địa lúc nào cũng được đâu ?

   Vì ngoài phe nhóm kỳ hào trong dòng họ của tiên sinh, trong làng xóm có dòng họ Trần cũng giàu sang không kém !

   Hai họ chia nhau đặc quyền theo từng guồng máy hành chánh trong lũy tre xanh, và luôn luông giữ miếng đề phòng nhau, cũng như chờ đợi cơ hội thuận tiện để triệt hạ nhau, mong đọc chiếm quyền "ăn trên ngồi trước" ở chốn đình trung cho riêng những người trong họ mình.

   Cứ nhìn qua danh sách hương chức trong làng, người ta cũng có thể đoán biết được sự tranh chấp gay go của hai dòng họ : chức tiên chỉ nếu về tay một vị bô lão, thuộc vào hàng phụ chấp của Thanh Lã tiên sinh thì theo chức thứ chỉ, nghĩa là chức vị cao qúy thứ hai ở trong làng, thế nào cũng phải thuộc về phe nhóm họ Trần.

   Đồng thời, nếu cái triện lý trưởng do người họ Trần đảm nhiệm, thì cái chức phó lý nhất định phải về tay một người chú, bác hay anh em chi đó của Thanh Lã tiên sinh.

   Hai họ ráo riết kiềm chế nhau, công kích nhau khá kịch liệt, bằng tất cả mọi mưu mô, phương pháp, kể cả những mưu mô xảo trá và phương pháp gian manh, mặc dầu bề ngoài họ vẫn cố giữ thuận hòa, lịch sự vồn vả chào hỏi nhau những lúc hội hợp ở đình trung hay gặp mặt nhau trong các đám khao, cưới, ma chay, hội hè, tế lễ.

   Do thành kiến cố hữu, không biết phát sanh tự bao giờ, hai họ lớn nhất ở trong làng, luôn luôn coi nhau như thù địch, và không một bên nào chịu bỏ lở cơ hội triệt hạ nhau.

   Vì vậy, khi mới nghe tin Thanh Lã tiên sinh mua khu đất cấm làm nhà thờ, họ Trần đã lập tức mở cuộc hôi hợp khẩn cấp, để hoạch định mưu kế phá tan dự định ấy của nhà phong thủy lừng danh đất Bắc.

   Nhưng nhờ tài quyền biến khôn khéo, nhờ sự giao dịch mềm mỏng, nhờ biết dùng đồng tiền một cách rộng rải, Thanh Lã tiên sinh đã vượt được hết mọi trở ngại do phe nhóm đối phương ngấm ngầm liên tiếp tung ra để hoàn thành mỹ mản công cuộc mua bán khu cấm địa.

   Bước đầu tiên, mà cũng là bước gian nan, khó khăn nhất vừa vượt qua được, đã như một phần thưởng tinh thần qúy giá, khuyến khích người trong cuộc, vững tâm tiến mạnh, tiến nhanh, hơn nữa trên con đường tuy đầy dẫy chông gai, chướng ngại, nhưng lại có một cái vườn thượng uyển, ngào ngạt quả ngọt, hoa thơm, líu lo oanh ca, vượn hót chờ đợi ở đầu đường đằng kia, sẳn sàng tiếp đón người tài trí, biết dùng nhiệt tâm cương quyết đạp bằng mọi trở lực để đến bến thành công.
 


 

   Thanh Lã tiên sinh, sau khi được chính thức làm sở hửu chủ khu đất Hạc hải, liền xúc tiến việc trấn yểm, ròng rã ba tháng trời, không phân biệt ngày đêm, sớm tối, chẳng nề hà khổ trí, lao tâm, mới thâu hoạch được một phần nào kết quả.

    Sở dĩ tiên sinh không thành công hoàn toàn trong công cuộc trấn yểm trước khi khởi công xây cất, chỉ là vì các bậc tiền bối của tiên sinh, không tạo được một nền âm công, phước trạch đầy đủ khả dĩ cho con cháu được xứng đáng hưởng thụ ơn huệ của trời Phật.

    Vẫn hay rằng, tổ phụ tiên sinh, căn cứ theo lời ghi chú trong gia phả, từ hai mươi đời nối tiếp nhau, tính cho đến lúc tiên sinh ra đời chẳng những không có một ai làm điều bạo thiên, nghịch địa, tàn ác, gian tham, dâm ô, cường ngạnh, mà thói thường lại còn giúp đở dân làng, góp công xây chùa, tạc tượng, bố thí cho người nghèo khổ trong những năm hạn hán, thủy tai.

   Nhưng tất cả những hành động từ thiện ấy, chỉ vừa đủ giúp cho các vị tổ phụ của tiên sinh tránh khỏi kiếp trầm luân, đọa lạc sau khi thác xuống suối vàng, chứ không đủ gầy nên âm công, phước trạch, tạo thành duyên nghiệp đặc biệt để cho con cháu hưởng phúc, lâu dài, hiển hách !

   Tiên sinh biết rõ điều đó hơn ai hết !

   Nhưng bản tính háo thắng, tinh thần tự ái và sĩ khí bất khuất của một danh nho, đã thúc đẩy tiên sinh gắn bó vấn đề vận mạng để qua một bên, để cương quyết dùng tài năng vượt khỏi số Trời.

   Luôn bảy ngày, bảy đêm liên tiếp, cứ vào khoảng giữa giờ Tí, khi thấy bốn bề yên lặng như tờ, thôn xóm vắng bặt tiếng gà gáy, chó sủa, tiên sinh mang tróc long ra khu cấm địa, hô thần, bắt ấn định làm phép trấn yểm, thì cả bảy lần, đều bị thổ thần hất tung tróc long, và quật tiên sinh ngã quay xuống đất.

   Thanh Lã tiên sinh không thế nào làm phép trấn yểm khu đất Hạc Hải như ý muốn, đành lửng thửng trở về nhà để tìm phương thế khác, vừa đi vừa suy nghĩ mãi mà lạc bước tới gần sáng qua khỏi làng Mía, tiên sinh chợt gặp được người bạn cố tri : Ông Tú Lê, là người tinh thông bùa chú, trấn yểm long mạch nổi danh ở làng bên. Mặc dù không làm thầy địa lý chuyên môn, để mả cho thiên hạ để lấy tiền, ông Tú Lê cũng nổi danh là nhà phong thủy chính tông, mỗi khi nhận lời tìm đất cho gia đình nào là người ấy, chắc chắn sẽ có ngày mát mặt hơn tình trạng hiện tại. (Còn nữa - Mời đón xem Phần 3)
 

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)
Đọc tiếp: