Con cháu họ Nguyễn làng Viềng nhiều đời đỗ đạt, làm quan nhờ thế đất Hoàng xà thính cáp
GIAI THOẠI PHONG THỦY - THẾ ĐẤT" HOÀNG XÀ THÍNH CÁP"
GIÚP DÒNG HỌ NGUYỄN LÀNG VIỀNG ĐỖ ĐẠT LÀM QUAN
Ngôi đất kiểu Hoàng xà thính cáp thầy tàu đền ơn giúp con cháu họ Nguyễn làng Viềng nhiều đời đỗ đạt, làm quan
Dòng họ Nguyễn làng Viềng
Họ Nguyễn làng Viềng xưa thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là dòng họ nổi tiếng, được xếp vào “tứ gia vọng tộc” của trấn Kinh Bắc xưa vì có nhiều người đỗ đạt làm quan.
Cụ Nguyễn Văn Huy được coi là thủy tổ lập ra dòng họ Nguyễn làng Viềng, đồng thời cụ cũng là người đặt nền móng cho con đường khoa bảng của con cháu sau này. Trong vòng hơn 300 năm từ khoảng gần giữa thế kỷ thứ XVI đến cuối thế kỷ XIX, dòng họ Nguyễn làng Viềng đã sản sinh ra 10 tiến sĩ, trong đó có 7 người được phong hầu, một người được tặng phong Thái Bảo (1 chức quan mang tính chất tượng trưng – PV), một người được phong tước Bá cùng 30 cử nhân và 60 tú tài. Thành tích này đã đưa dòng họ Nguyễn làng Viềng lên thành một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất thời phong kiến ở Việt Nam.
Cổng mộ Thám hoa Nguyễn Văn Huy tại làng Viềng.
Ngoài những nguyên nhân về cả dương cơ và âm phần thì việc phát phúc của một dòng tộc còn phụ thuộc nhiều vào đức lớn của tổ tiên và họ Nguyễn làng Viềng cũng vậy.Cho đến ngày nay, dòng họ vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị xung quanh sự kiện này. Từ câu chuyện người Tàu báo ơn, sau nhiều lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được vào nhà cụ Nguyễn Đình Quát (78 tuổi), hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Nguyễn làng Viềng để tìm hiểu rõ thêm sự việc.
Cụ Nguyễn Đình Quát (78 tuổi), hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Nguyễn làng Viềng
Câu chuyện người Tàu trả ơn
Cụ Quát kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất thú vị về người Tàu trả ơn. Cụ Phúc Sơn vốn là tổ họ Nguyễn tại làng Viềng, nhà nghèo nhưng lại có tinh thần phóng khoáng, thường xuyên làm việc thiện giúp đời. Sau này cụ rời làng Viềng đi mở hàng nước tại làng Đông Lâu (nay là Đồng Thôn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) để sinh sống.Tục truyền rằng vào một đêm mưa to gió lớn, cây đa đại thụ bên cạnh quán nước bị gió giật đổ bật gốc. Sớm hôm sau cụ ra xem thì nhìn thấy dưới gốc đa bị bật gốc đó lộ ra ba chĩnh vàng, thấy vậy cụ bèn đưa vào nhà cất giữ. Hai-ba năm sau, có một người Trung Quốc đến gốc đa đó ra chiều tìm kiếm một thứ gì mà mãi không thấy. Người này hỏi những người sống ở khu vực lân cận thì có nghe loáng thoáng câu chuyện cụ Phúc Sơn bắt được vàng nên tìm đến nhà tự giới thiệu và đưa ra một bản sấm cũ, đồng thời nói rằng: “Tiền nhân chúng tôi có để lại một ít của cải cho con cháu, nay vì nghèo túng nên không quản ngàn dặm đường xa đến để đào lên, ngờ đâu đã bị người khác lấy mất”. Người này nói xong rồi khóc lớn.
Sau khi hỏi han kỹ càng, cụ Phúc Sơn bèn nói: “Số vàng này chính là tôi bắt được, nhưng cứ để nguyên cất đi, không hề lấy một chút nào ra tiêu dùng. Vậy số vàng này vốn là di sản của nhà ông, thì tôi xin hoàn lại ông tất cả”. Người khách thấy vậy nói: “Đúng là số vàng kia của nhà tôi, nhưng trời đã có ý cho ngài, xin ngài giữ lấy mà dùng, tôi chỉ xin một chút đủ dùng trên đường trở lại quê quán mà thôi”. Cụ Phúc Sơn không đồng ý nói: “Nay vật về chủ cũ là lẽ đương nhiên” và kiên quyết trả lại. Người khách thấy cụ xuất phát từ lòng chân thành nên biếu cụ mười lạng, còn đâu xin mang về.
Sau khi về nước, người khách đem việc ấy kể cho mọi người cùng nghe. Một thầy địa lý nổi tiếng nghe vậy bèn nói rằng: “Không ngờ người nước Nam lại tốt bụng đến vậy, nay ta già rồi, giá ta còn trẻ thế nào ta cũng sang An Nam tìm cho nhà ấy một ngôi đất tốt để đền ơn”. Người khách thấy vậy khẩn khoản nhờ thầy giúp. Thầy địa lý nói: “Ta có hai học trò có thể làm được việc này”, nói đoạn quay bảo hai người học trò: “Con người ấy vốn có âm đức, trời ắt cho được nhiều điều hay. Ta nay tuổi già không đi được, hai người đi giúp ta một chuyến”.
Hai người học trò đều là những thầy địa lý nổi tiếng vui vẻ nhận lời. Khi người khách Tàu cùng hai người học trò đó sang An Nam tìm đất, đến nơi cụ Phúc Sơn ở, thấy chỗ đất nào đẹp cũng đều lưu ý. Tuy nhiên khi tìm đến ông chủ quán xưa thì người đã mất, cụ bà đã dọn về quê ở làng Vĩnh Kiều bây giờ. Họ bèn tìm lễ vật đến viếng và bảo với người nhà cụ Phúc Sơn rằng: “Ngày xưa tôi chịu ân sâu mà chưa báo được đức, nay tìm được minh sư, tìm được ngôi đất quý để khỏi phụ ân đức người”.
Lúc đó hai thầy địa lý Tàu vui vẻ nói: “Chúng tôi tìm được hai ngôi đất. Một ngôi kiểu quần sơn củng phục (các núi chầu lại), có thể làm một đời đế vương, một ngôi kiểu cáo trục hoa khai (phong tước nở hoa), có thể làm được bảy đời phò mã (rể vua) tùy người lựa chọn”. Cụ bà thấy thế liền đáp rằng: “Nhà tôi ở chỗ thôn quê bỉ lậu, dám đâu hy vọng những sự lớn lao ấy. Tôi chỉ mong có được một ngôi đất đời nào trong nhà cũng có văn nho mà thôi”.
Hình thế ngôi mộ được cho là thầy địa lý Tàu đã đặt cho cụ Phúc Sơn, Do sự thay đổi của thời gian nên hình thế này đến nay không còn
Hai thầy địa lý Tàu thấy vậy liền nói: “Chính như nguyện vọng của người thì há cần phải tìm ở đâu xa. Ngay đầu làng này có một huyện phát kế thế công khanh xin vì người mà giúp cho vậy”. Mọi người cùng nhau đến gò Đường Dài (địa danh thuộc làng Vĩnh Kiều) để xem. Xét ngôi đất ấy, long mạch khởi từ xã Cẩm Chương (nay không xác định được là nơi nào) đi lại, đến đầu làng Vĩnh Kiều thì nhô lên thành hai mô đất. Một mô hơi to và bằng phẳng. Một mô hơi bé và hơi méo lệch. Người em bảo huyệt mộ nằm ở mô to. Người anh cho là không phải, anh ta bèn đến một cái vũng nước sâu ở phía trước mặt, nằm xuống ngắm trông một hồi lâu rồi đứng dậy mà nói rằng: Tôi đã nghiên cứu kỹ, đích thực huyệt ở mộ bé. Hai người tranh luận mãi không quyết định được, bèn vẽ bản đồ chỗ đất ấy, sai người đem về Trung Quốc xin sư phụ định đoạt. Sư phụ nói rằng: “Ngôi đất này là kiểu Hoàng xà thính cáp (Rắn vàng nghe ngóe), khí vượng ở tai, có động mới có huyệt, hai mộ đất tức là hai tai vậy. Mô lớn tất điếc, mô bé hơi chéo có khí, huyệt ở mô bé ấy.
Sau đó gia đình bèn táng hài cốt cụ Phúc Sơn vào đó, hướng Mão thời bảy thốn , hướng Ất thời ba thốn. Nhìn sang phía núi thì cung Cấn, nhìn hướng chính thì hướng Khôn. Không hiểu thực hư ra sao, quả đúng từ đó về sau, con cháu họ Nguyễn làng Viềng nối nhau đỗ đại khoa và làm quan to trong triều.
Đến chuyện hàn long mạch
Con cháu dòng họ Nguyễn làng Viềng nối nhau đỗ đại khoa với nhiều người giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Cứ như vậy cho đến hết đời thứ 4 thì không còn người đỗ đại khoa nữa và sự hưng thịnh của dòng họ có chiều hướng đi xuống.
Theo gia phả còn ghi chép lại được thì đời thứ 5 của dòng họ chỉ có duy nhất một người đỗ trung khoa là cụ Phả Uyên, đỗ nho sinh trúng thức, làm quan tới chức tri phủ mà thôi.Tuy nhiên cụ Phả Uyên lại có may mắn được hộ tống một đoàn ngoại giao của nước ta sang sứ bên Tàu.
Khi sang sứ, cụ Phả Uyên có gặp một thầy địa lý Tàu nổi tiếng xin ý kiến về việc phục táng tổ tiên để con cháu tiếp tục được hưởng phúc ấm và có thêm nhiều người đỗ đạt. Thầy địa lý thấy thế liền nói: “Lấy cùng dòng khí huyết phụ táng bằng nối cánh tay vào, cái cũ đã tiêu nát, sửa thành cái mới, sao lại không nên làm”.
Khi về Việt Nam, cụ Phả Uyên liền đem hài cốt của cụ tổ Nguyễn Văn Huy táng lại theo chỉ dẫn của thầy địa lý Tàu đã mách nước. Không hiểu sao ngay đời con cụ Phả Uyên là cụ Nguyễn Danh Nho đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất 1670, thời Lê Huyền Tông. Đặc biệt hơn là có cụ Nguyễn Nhân Nguyên đỗ cử nhân dưới thời Hậu Lê, làm quan tới chức Hộ Bộ lang trung. Cụ có 7 người con trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ là Nguyễn Quốc Ích, Nguyễn Đức Đôn, Nguyễn Công Viên.Điều đặc biệt là dù tám cha con không đỗ hết tiến sĩ, nhưng tất cả đều làm quan to cho một triều.Đây quả là một thành tích không phải gia đình khoa bảng nào cũng có thể thực hiện được. Cũng từ đó con cháu họ Nguyễn làng Viềng đều có người đỗ đạt, làm quan. Tuy nhiên số người đỗ đại khoa và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình không nhiều như 4 đời đầu của dòng họ.
Đến đây chúng tôi có hỏi cụ Nguyễn Đình Quát về thực hư chuyện hàn long mạch trong gia phả chép như thế nào, cụ Quát cho biết: “Gia phả các cụ truyền lại cho còn cháu như thế nào thì chúng tôi chỉ biết có vậy. Còn thực hư ra sao tôi cũng không được rõ. Tuy nhiên có một thực tế là mấy đời đầu, các cụ đều giữ những chức vụ rất to trong triều mà con cháu về sau rất ít người vươn tới”.
Không thỏa mãn với câu trả lời, chúng tôi đã tìm gặp chuyên gia phong thủy Phạm Cương và nhận được câu trả lời thấu đáo hơn. Chuyên gia Phạm Cương cho biết: “Phong thủy là khoa nghiên cứu về môi trường sống với con người như hướng nắng, hướng gió, tới mạch khí, mạch nước, cấu trúc sông núi… nên khi một trong những yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng ít nhiều cục diện phong thủy của cả một khu vực.
Trong phong thủy dương cơ (liên quan đến nhà cửa) và âm phần (liên quan tới mồ mả) có quan hệ rất mật thiết với nhau. Riêng phong thủy âm phần ảnh hưởng sâu đến con cháu của dòng họ đó. Mỗi khi long mạch bị tổn thương do xây dựng đào xới… thì cần thiết phải hàn long mạch.Đối với chuyện hàn long mạch như truyền thuyết dòng họ Nguyễn làng Viềng thì chuyên gia Phạm Cương nhận xét: “Hàn long mạch là chuyện có thực, tuy nhiên áp vào trường hợp này thì rất khó nói do chưa có điều kiện tìm hiểu thực tế cũng như lịch sử dòng họ nên tất cả chỉ là võ đoán mà thôi…
Thông thường thì việc hàn lại long mạch có xảy ra thì khu đất khó vượng khí như lúc đầu (tỉ lệ này chiếm khoảng 90%). Đối với 10% còn lại là thì việc hàn long mạch lại là chuyện tốt hơn ban đầu, điều này tùy thuộc cấu trúc khu đất đó”.
Anh Nguyễn Tiến Đạt (con trai cụ Quát) chỉ tấm bia cổ ở mộ cụ thủy tổ Nguyễn Văn Huy.
Con cháu nay không bằng các cụ xưa
Cụ Nguyễn Đình Quát cho biết: “Hiện nay con cháu họ Nguyễn làng Viềng phần nhiều đã thoát ly và công tác khắp các tỉnh. Số người thành đạt cũng nhiều, người làm công tác quản lí cũng không ít. Tuy nhiên so với các cụ thời trước, con cháu bây giờ không hiển vinh bằng. Tuy nhiên con cháu chúng tôi luôn tâm niệm theo lời các cụ dạy rằng, gia đình nào gia công, tích đức thì hưởng phúc lâu dài”./.
- Hoàng Hy sưu tầm -