✅ Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí linh thiêng. Đây là một vùng có nhiều hồ, đầm lầy, sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, thế đất mang hình con nhện, xòe ra như cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý, phát tích đế vương - ứng với 8 vua nhà Lý, hưng thịnh kéo dài tới 216 năm.
GIAI THOẠI PHONG THỦY VỀ THẾ ĐẤT
HOA SEN TÁM CÁNH PHÁT NGHIỆP ĐẾ VƯƠNG CHO NHÀ HỌ LÝ
Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ - Vị vua sáng lập vương triều Lý - là một nhân vật có nhiều điều bí mật mà sử sách chưa thể khám phá cho tỏ tường, từ xuất thân mờ ảo cho đến những giai thoại, truyền thuyết....
Tượng Vua Lý Thái Tổ
Lý Công Uẩn
Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp, nay là Tiên Sơn - Bắc Ninh. Bà mẹ họ Phạm, nhân một hôm đi chơi trên chùa Tiên Sơn (tức chùa Trường Liên trên núi Tiêu ở xã Tương Giang - Tiên Sơn) cảm ứng với thần rồi về có mang, sinh ra Ngài vào năm 974, cuối thời Đinh. Trước đó mấy tháng, ở viện Cảm Tuyền thuộc chùa Ứng Thiên Tâm trong châu Cổ Pháp, có con chó mẹ đẻ chó con màu trắng nhưng lại có những đốm lông màu đen xếp thành hình hai chữ "Thiên tử". Do vậy mà từ miệng các nhà trí thức địa phương, rồi sau đó là dân chúng trong vùng, đã lan truyền câu chuyện rằng "đến năm Tuất sẽ sinh ra một người làm Thiên tử".
Quả nhiên, Lý Công Uẩn sinh ra ở vùng này vào đúng năm Giáp Tuất (974) ấy. Tuy vậy, vì có nhiều người cũng sinh vào năm này, nên sự kiện ấy lúc bấy giờ chẳng có ý nghĩa gì.
Ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng
Lý Công Uẩn xuất thân không thuộc dòng dõi con vua, cháu chúa, nhưng trải thời thế biến động, người con đất Cổ Pháp ấy đã lên ngôi cao thiên hạ. Và theo người xưa, mọi việc đều có nguyên do của nó. Khoan nói tới tài năng, khoan nói tới hoàn cảnh lịch sử và muôn vàn những lý do khác nữa, ở đây, chúng ta nói tới ngôi mả, thế đất phát đế của nhà Lý.
Nam Hải dị nhân khi viết về vua Lý Thái Tổ cho hay: “Tục truyền đời ông thân sinh ra Lý Công Uẩn, nhà nghèo khó, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, huyện An Phong, phải lòng một người tiểu nữ có mang, nhà sư thấy thế đuổi đi chỗ khác. Hai vợ chồng mang nhau đi, đến chỗ rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ mát. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân xuống giếng chết đuối. Vợ ngồi chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng rồi.Theo phong thủy xưa, mộ nhà ai không tự nhiên lấp mà được thiên tạo, ắt là ngôi huyệt mộ quý, không phát đế vương thì cũng thành danh ở đời.
Đền thờ Lý triều quốc mẫu Phạm Thị Tiên ở Hoa Lâm
Sau khi chồng mất, người vợ đã khóc rất nhiều, buồn rầu và xin ngủ nhờ trong chùa Ứng Tâm gần đó, rồi xin ở nhờ nhà sư ở ngoài tam quan.
Vào ngày 12-2 năm Giáp Tuất 974 (tức ngày 8-3-974 theo dương lịch), Lý Công Uẩn đã được bà Phạm Thị sinh ra tại ngôi chùa này. Truyền thuyết kể đêm hôm trước trụ trì chùa nằm mơ thấy Long thần báo mộng: “Dọn chùa cho sạch, ngày mai có hoàng đế đến”. Nhưng hôm sau chỉ thấy một thiếu phụ có thai đến nương nhờ. Vài tháng sau, khu tam quan của chùa bỗng rực sáng, hương thơm lan tỏa. Người thiếu phụ kia hạ sinh một bé trai, hai bàn tay hiện lên bốn chữ “sơn hà xã tắc”.Lúc Lý Công Uẩn được sinh tại chùa cũng là lúc thiền sư Lý Khánh Vân trụ trì. Thiền sư đã nhận nuôi cậu bé và cho mang họ Lý của mình, đặt tên là Công Uẩn. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, chùa được mở rộng và sau này được tôn tạo nhiều lần, thờ thân mẫu và dưỡng phụ của vua, thiền sư Khánh Vân. Chính vì vậy chùa được dân gian gọi là chùa Rặn (tức “rặn đẻ”), rồi dần dần gọi chệch thành chùa Dận.
Chùa Ứng Tâm (hay còn gọi là Chùa Dận) - Nơi thờ thờ thân mẫu và dưỡng phụ của vua, thiền sư Khánh Vân.
Cũng có sử chép rằng mẹ ông nằm mơ thấy giao hợp với thần núi Tiêu Sơn, có mang sinh ra ngài. Sinh được ba năm, bà mẹ họ Phạm ẵm đứa trẻ đến nhà Lý Khánh Văn để xin làm con nuôi. Khánh Văn nhận lời, đặt tên khai sinh cho là Lý Công Uẩn. Lý Khánh Văn vốn là nhà hào phú trong vùng, bản thân lại có học hành và giao du rộng, nên sau khi nhận nuôi Công Uẩn được mấy năm thì cho cậu bé đến chùa Cổ Pháp (tức chùa Lục Tổ ở xã Đình Bảng, Tiên Sơn - Bắc Ninh) vừa để nương nhờ cửa Phật mà cũng vừa để theo học Đại sư Vạn Hạnh, vốn nổi tiếng thông tuệ, uyên bác vào lúc bấy giờ.
Vừa trông thấy Công Uẩn đến chùa, Đại sư Vạn Hạnh đã đoán ngay với Lý Khánh Văn: "Đứa bé này có tướng mạo khác thường, sau này lớn lên có thể giúp vào việc cứu khốn phò nguy trăm họ, làm đến bậc minh chủ trong thiên hạ". Đại sư rất vui mừng và từ đấy hết lòng dạy dỗ Công Uẩn nên người, và biết được mọi điều hơn lẽ thiệt.
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh ở núi Tiêu sơn.
Nhà Lý
Nhà Lý tồn tại trong sử nước Nam được 215 năm (1009 - 1225), trải qua 9 đời vua nối nhau giữ nghiệp nước, làm được biết bao công nghiệp cho thiên hạ. Nào lập “đất đế đô muôn đời” (Lời Thiên đô chiếu) Thăng Long năm Canh Tuất (1010), lập quốc hiệu Đại Việt năm Giáp Ngọ (1054), lại ra luật thành văn đầu tiên của nước nhà - Hình thư năm Nhâm Ngọ (1042), rồi mở mang Nho học với kỳ thi Nho học tam trường lần đầu tiên của đất nước năm Ất Mão (1075)… Triều vua đầu tiên của nhà Lý là Lý Thái Tổ.
Cũng sách trên của Phan Kế Bính cho biết: “Xét ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, bây giờ thuộc về làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn”.
Sở dĩ nói nghiệp đế nhà Lý truyền 8 đời, bởi vua thứ chín của nhà Lý vừa là vua nữ, Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng Trần Cảnh, chuyển nghiệp đế họ Lý sang dòng Trần, nên không được tính vào.
Đền Đô (Bắc Ninh) - Nơi thờ 8 vị Vua thời Lý
Lại nói về ngôi mộ cha vua Lý Thái Tổ ở đất Cổ Pháp, khi lên ngôi hoàng đế, đến năm Canh Tuất (1010), nhằm dịp tháng 2 “Vua về châu Cổ Pháp bái yết lăng Thái hậu, cho các bô lão trong làng tiền lụa theo thứ bậc khác nhau (vua bái yết lăng, nhìn quanh cây cối xum xuê các bầy chim muông liệng quanh rồi đậu xuống, trong lòng cảm thấy thương xót, nghẹn ngào không tả xiết. Lòng thương xót cảm động đến cả người chung quanh. Vua liền sai tả hữu tư đến đó đo lấy vài chục dặm cạnh làng để làm nơi đất cấm của Sơn Lăng, các triều vua sau đưa về táng ở xứ ấy, đều gọi là Thọ Lăng)”
Một số hình ảnh Bát Đế hiển linh
"Đúng 8 giờ sáng ngày 26/8/1998 (ngày 05/7 âm lịch) là ngày giỗ vua Lý Anh Tông – Vị vua thứ 6 của vương triều nhà Lý. Giữa lúc trống giong, cờ mở và lễ hội rực rỡ sắc màu, khi các bô lão đang tiến hành lễ tế thì trên trời bỗng đâu xuất hiện 11 vầng mây trắng. 11 vầng mây này đậu lại trên đỉnh “Thọ lăng Thiên đức” – nơi đặt 11 lăng của các đức trị nhà Lý. Qua hồ bán nguyệt, 3 đám tự nhiên rã ra và 8 vầng mây tụ lại trên trời xanh thăm thẳm, ứng với 8 đời vua nhà Lý. Sự kỳ diệu của tạo hóa chẳng biết có phải là ngẫu nhiên hay không, song nó đã làm nức lòng bao người có mặt."
Bức ảnh : Bát Đế hiển linh
Đó là khoảnh khắc thiêng liêng vào ngày 1/9/1998, vào đúng giờ Dần (4h45”), kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh tổ chức rước bài vị của Lý Thái Tổ ra Thăng Long để cùng tham gia Đại lễ. Hôm đó, 300 người ăn mặc theo lễ phục xuất phát từ Bắc Ninh đi từ rất sớm để kịp 6h tham dự đại lễ tại Hà Nội. Khi đoàn bắt đầu đi thì cũng là lúc thầy Thìn theo thói quen đã sẵn sàng chiếc máy ảnh ở chế độ “tốc độ 30, ống kính 4, vô cực” và chụp ngay lại khoảnh khắc kỳ diệu ấy./.
- Hoàng Hy sưu tầm -