Sau khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, có thầy địa lý nổi tiếng ở Trung Quốc đã không quản đường xá, lặn lội sang tận nơi thăm viếng mộ. Đến nơi thấy rõ ràng ngôi mộ đặt đúng vào huyệt đất tốt nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược. Cho là Trạng Trình cũng chỉ có danh mà không có thực, ông thầy Tàu mới tự đắc bảo: “Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh-nhân cái gì đâu, hay là thánh-nhân mắt mù đó”.
Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (viết tắt Cụ Trạng) sinh năm Tân Hợi đời vua Lê Thánh Tông, tức năm Hồng Đức thứ 22 (1491) tại làng Trung Am huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay là làng Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Trạng mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi.
Tượng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trong sự nghiệp vì nước vì dân của mình, Cụ Trạng đã để lại cho các thế hệ mai sau những tác phẩm văn học có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân, Trình quốc công Bạch vân thi tập, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm)… Người còn chủ trương xây chùa tôn thờ các danh nhân, bắc cầu giúp dân…
Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là những câu Sấm mà Cụ Trạng đã để lại. Cụ Trạng tinh thông về thuật số, tính theo Thái Ất Thần Kinh, tiên đoán được biến cố lịch sử xảy ra sau 500 năm; lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”. Cụ được nhân dân truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam. Nhiều câu Sấm của cụ vẫn chưa có lời giải. Nhiều đời vua, chúa thời đó đã theo lời tiên tri của Cụ Trạng mà tránh được binh đao và mở mang bờ cõi Việt như ngày nay. Trong cuộc đời Cụ Trạng vẫn còn nhiều bí ẩn mà sau khi Cụ mất đến nay vẫn chưa có lời giải. Mộ phần của cụ Trạng đã đượcnhiều nhà sử học, khoa học, nghiên cứu tâm linh… các thế hệ đi sau luôn mong mỏi kiếm tìm để việc thờ cúng Cụ Trạng theo đúng nghĩa của nó; nhưng đến nay chưa có kết quả. Phải chăng Cụ Trạng không để lại manh mối để tìm mộ phần của mình?
Nổi tiếng nhất là 03 câu Sấm của Cụ Trạng lưu truyền trong nhân dân:
1. “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi – Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”;
2. “Kinh Lương chùa Đót - Còn sót một ngôi - Huyệt tại Thiên Lôi - Anh hùng kế thế”;
3. “Táng tại ao Dương”.
“Đến nay (sau 430 năm), mộ của Cụ Trạng vẫn là một bí ẩn; địa danh Ao Dương ở đâu vẫn chưa có lời giải. 3 câu Sấm trên chính là những dấu tích Cụ Trạng đã để lại cho thế hệ sau biết cách thức để tìm mộ của mình”
Đền thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Tuy nhiên cũng có những giai thoại về mộ của cụ qua câu chuyện : 50 năm sau vẫn không có đối thủ
Sinh thời, Trạng Trình nổi tiếng là người thông hiểu thuật lý số. Tiếng tăm của ông không chỉ nổi ở trong nước mà còn vang đến cả Trung Hoa là đất nước phát tích của môn này. Giới học giả Trung Hoa cũng ngưỡng mộ xưng tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Trình Tuyền tức là hiệu của Trạng Trình vì triều Mạc phong cho ông tước Trình Tuyền hầu.
Bởi tiếng tăm vang dội ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm nên sau khi ông mất đi rồi, có thầy địa lý nổi tiếng ở Trung Quốc đã không quản đường xá, lặn lội sang tận nơi thăm viếng mộ. Ông thầy địa lý đến nơi thấy rõ ràng ngôi mộ đặt đúng vào huyệt đất tốt nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược. Cho là Trạng Trình cũng chỉ có danh mà không có thực, ông thầy Tàu mới tự đắc bảo: “Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh-nhân cái gì đâu, hay là thánh-nhân mắt mù đó”.
Con cháu cụ Trạng nghe thấy vậy liền về báo với trưởng tộc. Ông trưởng tộc vội vàng ra mời thầy về rồi khẩn khoản nhờ thày đặt lại mộ cho. Thầy địa lý đồng ý và bảo: “Không cần phải đem đâu xa cả, chỉ cần đào lên rồi xoay lại và nhích lên một chút là được”.
Con cháu cụ Trạng theo lời đào mộ lên để xoay lại. Đến gần quan tài thì thấy có tấm bia. Tò mò, thầy địa lý mới bảo rửa sạch đi để xem bia có viết gì. Khi đã rửa sạch sẽ, thấy tấm bia có khắc một bài thơ:
"Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu
Ngũ thập niên hậu mạch quy túc
Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri?
Hà vị thánh-nhân vô nhỉ mục?".
Nghĩa là:
"Ngày nay mạch lộn xuống chân
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu.
Biết gì những kẻ sinh sau?
Thánh-nhân mắt có mù đâu bao giờ?"
Đọc thấy tấm bia, thày địa lý mới ngã ngửa. Thì ra cụ Trạng đã tiên liệu mọi việc, thậm chí còn biết mình sẽ nói câu “Thánh nhân mắt mù”. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ, trước khi chết, cụ Trạng đã dặn con cháu kỹ càng mọi việc rằng không được cải táng và phải trông coi kỹ càng, nếu có ai đến thăm mộ mà nói: “Thánh nhân mắt mù” thì phải mời họ về nhà rồi nhờ họ để lại hướng của ngôi mộ, nếu không con cháu đời sau sẽ lụn bại.Cụ còn dặn dò kỹ là khi chôn cụ phải để một tấm bia lên nắp quan tài trước khi lấp đất. Khi ấy tấm bia được cụ sơn cẩn thận bên ngoài nên không ai biết tấm bia có cái gì. Đến đây mọi sự vỡ lẽ, thày địa lý Trung Quốc thầm kinh hãi mà tự nhận vẫn chỉ đáng là học trò của cụ./.