Đất sinh Vương Thánh.
Tổng Đại Hữu hay Đại Hoàng huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc các xã Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn) là đất sinh ra đế vương Đinh Tiên Hoàng lại đốc sinh đức thánh Nguyễn Minh Không quốc sư triều Lý mà phương ngôn, tục ngữ Ninh Bình còn lưu truyền:
"Đại Hữu sinh vương
Điềm Dương sinh thánh"
(Đại Hữu nay thuộc xã Gia Phương huyện Gia Viễn quê hương của Đinh Tiên Hoàng đế. Điềm Dương hay là Điềm Giang nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn quê hương của đức thánh Nguyễn Minh Không).
Từ thời Trần trở về trước, đất tổng Đại Hữu thuộc huyện Uy Viễn. Thời Lê gộp hai huyện Lê Gia và Uy Viễn thành một huyện lấy tên là Gia Viễn. Tên huyện Gia Viễn là tên ghép chữ cuối của tên huyện Lê Gia với chữ cuối của tên huyện Uy Viễn mà thành và giữ mãi cho đến ngày nay.
Trong tiến trình lịch sử tạo dựng đã có những thay đổi về tên của quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không.
Dưới thời Đinh, đất Điềm Dương gọi là Đàm Gia Loan mà Đinh Bộ Lĩnh khi lên ngôi Hoàng đế năm Mậu Thìn (968) đã chọn làm quốc đô, xong vì thấy ở đây bốn bề đều là đồng nước mênh mông lại chật hẹp, lầy lội lên mới vượt sông Hoàng Long chuyển sang xây dựng kinh đô Hoa Lư (nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình). Năm Thái Bình thứ 3 (970) Đàm Gia Loan được đổi gọi là Đàm Xá. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương giải thích cho biết: Đàm nghĩa là đầm, Xá tức là nhà (Đàm Xá nghĩa hiểu là nhà trên đầm nước).
Dưới triều Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông, niên hiệu Nguyên Hoá năm thứ nhất) phân Đàm Xá thành hai xã là Đàm Giang và Đàm Xá.
Đến triều Lê Thế Tông niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất, Quý Dậu 1573; (Mạc Sùng Khang năm thứ 8) vì kỵ huý của Thế Tông là Duy Đàm nên lại đổi là Điềm Giang, Điềm Xá hai xã. Tên xã Điềm Giang, Điềm Xá được giữ mãi cho tới sau cách mạng tháng 8-1945.
Năm 1950 các xã Điềm Giang, Điềm Xá, Đại Hoàng (xã Gia Phương ngày nay) hợp thành một xã lấy tên là xã Gia Thắng. Đến năm 1953 xã Gia Thắng lại chia thành 3 xã lấy tên là Gia Thắng, Gia Phương, Gia Tiến thuộc huyện Gia Viễn.
Thế là trải qua gần 1000 năm biến cải tên gọi, thay đổi địa dư, đến nay đất tổng Đại Hữu được chia thành 3 xã mà xã Gia Phương là quê hương của đế vương Đinh Tiên Hoàng, xã Gia Thắng đốc sinh đức thánh Nguyễn Minh Không.
Giữa một vùng đồng nước mênh mông là một giải đất chạy dọc theo hướng bắc- nam, địa đầu phía bắc là núi Bồ Đình (nay thuộc đất xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn), tận cùng phía nam là bến Hoàng Giang hay bến Đò Rồng, chiều dài hơn 6000m , chiều rộng chừng hơn 800m (chỗ rộng nhất ); phía tây là dòng Hoàng Long đã từng phân giới giữa huyện Lê Gia và huyện Uy Viễn; phía đông là con đường Tiến Yết mang huyền tích lịch sử khi Đinh Bộ lĩnh bị chú ruột là Đinh Thúc Dự đuổi đánh vì tội giết trâu khao lũ trẻ mục đồng; khi Bộ Lĩnh chạy đến đâu thì đường nổi lên đến đấy mà dân gian đặt tên cho đường là Tiến Yết (Đường Tiễn Vua). Hiện nay đường Tiến Yết vẫn còn là tuyến đê Tiến Yết với những hàng cây phi lao cao vút xanh tốt ở hai bên thân đê.
Một khoảng đất không rộng nhưng lắm núi, nhiều sông bao bọc xung quanh: núi Kỳ Lân ở phía bắc gần kề núi Bồ Đình, lại có gò Bồ Đề tương truyền là nền cũ của vua Đinh Tiên Hoàng người có công thống nhất đất nước, lập ra quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ ở thế kỷ thứ 10. Hiện nay, ở đấy vẫn còn đền thờ vua Đinh khá nguy nga, đồ sộ đã được xếp hạng cấp nhà nước thuộc thôn Vân Bồng xã Gia Phương; Phía nam có núi Cắm Gươm hay Kiếm Sơn theo truyền lại khi chú Đinh Thúc Dự đuổi đánh Bộ Lĩnh được rồng vàng nổi lên đưa qua sông, thì chú cắm gươm xuống đất mà lạy cháu, chỗ ấy mọc lên một quả núi gọi là núi Cắm Gươm, dòng sông ấy gọi là Hoàng Long (Rồng Vàng). Qua dòng Hoàng Long về phía tây nam có dãy núi đá uốn lượn, có hai ngọn liền kề nhau tục gọi là núi Rồng, núi Rắn. Nhiều ngọn núi với nhiều hình tích mà dân gian đặt cho những tên gọi: Núi Con Lợn; Núi Con Rùa, Núi Con Phượng; Núi Cổ Giải... Ngọn Núi Đính (Bái Đính Sơn) đứng sừng sững cao vút đón gió đông nam thật đúng với bài thơ ngôn hoài của vị Đại Sư Không Lộ:
Thạch Đắc Long Xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu Thời trục Thượng cô phong đính
Trường khiếu nhất Thanh hám Thái hư
Dịch thơ:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi
Có khí xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả người
(Thơ văn Lý - Trần T1; NXBKHXH; Hà Nội; 1997;tr 385)
Phía Nam và tây nam quê hương Quốc sư có dòng sông nhỏ chảy quanh mà nhân dân địa phương gọi là "Cửu khúc Giang Hồi". Bên cạnh dòng sông nhỏ, uốn lượn lại có dòng Hoàng Long nước trong xanh mềm mại chảy sát phía tây làng càng làm tăng thêm cảnh hữu tình sơn thuỷ của mảnh đất làng Điềm - đất sinh đức Thánh.
Nhìn cảnh quan "Đại Hữu cố hương, Điềm Dương cố trạch" với khí thiêng sông núi, với đất phát đế vương lại đốc sinh đức thánh đã gần ngàn năm, hẳn ta cảm hoài thấy được đất, trời, sông, núi cùng hoà quyện trong cái thế địa "Tượng sơn chung dục ngưng thuỷ tường Thanh (tận cùng có núi Voi, phía trước có Giang hồi cửu khúc).
Một vùng quê phát tích đế vương lại có cả đất sinh Đức Thánh trong mối giao hoà giữa đất trời, sông núi cùng con người, nghìn năm trước đã được chung đúc, tạo dựng mà nên. Vùng đất ấy giờ đây vẫn còn lưu giữ trong dân gian khá đậm nét những dấu ấn của hai vị Đế Vương và Đức Thánh mà người dân địa phương luôn tin và tâm niệm quê hương- một vùng "Địa linh nhân kiệt" và cả hai nơi thờ Đế Vương - Đức Thánh đã được xếp hạng cấp nhà nước với những cốn hiến lớn lao cho quốc gia dân tộc.