Trong phong thủy học có một câu nói: “Sơn quản nhân đinh, thuỷ quản tài”, ý rằng ở gần núi thì cuộc sống thịnh vượng, ở gần nước thì tài lộc phú quý. Trong phong thủy “phú” và “quý” là hai khái niệm không giống nhau, nhưng lại liên quan chặt chẽ tới núi và nước.
Phú địa
Một huyệt vị có thể đem lại cho đời sau tài phú hay không, quan trọng nhất chính là xem ‘thuỷ’, nước đầu nguồn của huyệt sơn (núi đặt mộ an táng), sông ngòi ao hồ trong minh đường, độ lớn nhỏ, hướng chảy, sự trong đục, và vị ngọt chát của ‘thủy’.
Trong phong thủy có một cách gọi là “thủy pháp”, có nghĩa là thông qua nguồn nước để tầm long điểm huyệt, xác định tình hình của huyệt vị. Huyệt vị trên long mạch thông thường nằm trong phạm vi 100m kể từ đầu nguồn nước của huyệt sơn, 100m này là chỉ khoảng cách theo đường thẳng.
Nước đầu nguồn thông thường biểu thị cho tài phú được thừa hưởng từ gia tộc, hoặc là tài phú đạt được thông qua sức mạnh của gia tộc; nước của ao hồ sông suối bên trong khu vực, biểu thị tài phú mà người trong huyệt vị đạt được cả đời, nước càng lớn càng nhiều chứng tỏ tài phú càng nhiều.
Nguồn nước trong sạch thanh khiết nghĩa là tài phú đến từ nguồn gốc chính đáng, thông qua qua sự nỗ lực vất vả mà có được; nước vẩn đục biểu thị rằng nguồn gốc của tài phú là bất chính, ví dụ: thu nhập bất hợp pháp, tham ô hối lộ… Loại tài phú này sẽ nhanh chóng phải trả giá bằng sự hao tổn phúc đức của bản thân, phúc đức hư tổn cùng kiệt, tài phú tự nhiên sẽ tiêu tán.
Nước ngọt, đặc biệt là nước đầu nguồn ngọt, thể hiện rằng con người có tấm lòng ôn hòa thuần khiết, sẵn lòng giúp đỡ người khác; nước có vị chát nghĩa là người này có thể là tham tiền tài.
Quý địa
“Quý” phải xem Sơn. Tổ sơn (núi tổ) cao sừng sững có điểm tựa, long mạch nhấp nhô uốn lượn, thể hiện rằng gia tộc có thế lực to lớn. Nội minh đường có núi án ngữ, đồng thời mô phỏng theo hình dạng của bàn, giá bút, con dấu, ý chỉ rằng có quyền thế; ngoại minh đường (phía trước huyệt) đa phần là núi vây quanh, muôn hình vạn trạng, hàm ý rằng trong tay có nhiều nhân tài.
Bố cục nội minh đường bao gồm đá lớn và đá kỳ lạ, đồng thời mô phỏng hộ vệ, ý chỉ bên cạnh có người thân cận, địa vị chưa chắc đã cao, nhưng có lực lượng và vị trí quan trọng; thanh long bạch hổ cũng phải phù hợp với phong thuỷ, thanh long được tạo nên từ các đỉnh núi phía bên trái huyệt vị phải uốn lượn linh hoạt, hàm chỉ văn thần.
Bạch hổ được tạo nên từ các đỉnh núi phía bên phải hàm chỉ võ tướng, bạch hổ phải thấp hơn thanh long, đồng thời phải quay đầu nhìn về huyệt vị, nếu không sẽ gây ra tướng phản nghịch… Đây là những ví dụ phân tích về toàn bộ bố cục của huyệt vị dựa vào đặc điểm “quý”, đối với những huyệt vị có đặc điểm khác nhau thì bố cục kể trên cũng không đồng nhất.
Huyệt vị đại diện cho chữ “quý”, nổi bật nhất chính là đất thiên tử, vùng đất lớn sinh ra đế vương của một hoàng triều, nếu bạn đứng trên huyệt vị dùng trái tim để cảm nhận, phóng tầm mắt ra bốn phía, sẽ cảm thụ được cảm giác đại khí, cao quý, bao la.
Đây là một cảm giác vô hình, được toát ra từ những đặc điểm vốn có của huyệt vị, giống như mỗi người lại có một khí chất riêng vậy, có những lúc bạn có thể cảm thấy được khí chất cao quý từ một người chỉ cần thông qua lời nói cử chỉ của họ.
Phúc địa
Đối với dân thường, phúc địa chính là chỉ con cháu đầy đàn, đời đời bình an, không có đại hoạ đại nạn; trong nhà không phải là có đại phú đại quý, nhưng năm nào cũng dư giả; con cháu có chí tiến thủ, hiểu được đạo lý tích đức hành thiện làm người; cho dù là không có trí tuệ cao siêu nhưng không đến nỗi là ngốc.
Người như vậy bản tính gần gũi với Thần Phật, mặc dù không nhất định phải theo con đường tu Đạo, nhưng sẽ không vì lợi ích mà tranh đấu với người khác, kiểu như là dù không tu Đạo nhưng trạng thái vẫn ở trong Đạo.