Lâm Bán Tiên, người ở Lâm Viên Hương, phía Nam của Đài Loan là một trong những bậc thầy phong thủy nổi tiếng, để lại nhiều giai thoại ly kỳ.
Giới phong thủy Đài Loan thường có câu: Bắc có Lâm Lương Tiên, Trung có Sắt Mẫu Tiên, Nam có Lâm Bán Tiên. Trong số những thầy phong thủy chuyển từ Đường Sơn tới Đài Loan trong những năm Càn Long này, Lâm Bán Tiên, người ở Lâm Viên Hương, phía Nam của Đài Loan là một trong những người để lại nhiều giai thoại nhất…
Phong thủy đẹp ở Mũi Phượng
Lâm Bán Tiên tên thật là Lâm Trấn Tiên. Vào thời Càn Long, nhà Thanh, quan tổng binh của Phúc Kiến đã phái bốn thầy phong thủy nổi tiếng tới núi Phượng Sơn, thuộc Lâm Viên Hương, Cao Hùng, Đài Loan để khảo sát địa thế, đưa mộ tổ tiên về quê.
Lâm Bán Tiên là một trong số 4 thầy phong thủy đó. Khi chiếc thuyền chở 4 người đi qua Tiểu Lưu Cầu, do trời quang, nên từ đây có thể nhìn thấy ngọn Phượng Sơn giống như một con chim phượng đang giương rộng đôi cánh. Người ta có câu, chim tiên đón người tiên, vì vậy, ngọn Phượng Sơn từ đó đã gắn liền với cuộc đời của Lâm Bán Tiên.
Người ta kể rằng, cha ruột của vị quan tổng binh tỉnh Phúc Kiến lúc sinh thời là một ngư dân nghèo ở Lâm Viên Hương. Ông thường tới gần nơi được gọi là Mũi Phượng của núi Phượng Sơn để đánh cá. Tuy nhiên, cá ở nơi đây rất ít nên nhà ông đã khó càng thêm khó.
Thế rồi, sức khỏe của ông ngày một kém hơn. Cho tới một hôm, ông bỗng bệnh nặng rồi qua đời. Do hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn nên không đủ tiền để mua quan tài, đành dùng một chiếc chiếu cói quấn lại rồi cho vào bên trong một cái lưới đánh cá rồi mang tới chôn ngay tại một cái động đá ở Mũi Phượng.
Động này nằm ở điểm đầu của núi Phượng, vì vậy có được toàn bộ linh khí của ngọn núi này. Do là phần mũi, nên thích hợp với nhuyễn táng. Nếu như dùng quan tài kiên cố chôn cất có thể khiến cho phượng tiên bị ngạt mà biến thành đại hung.
Sau khi người cha chết, để lại một đứa con trai khoảng 17 – 18 tuổi. Cha chết, không nghề nghiệp gì, đứa con trai chỉ biết hàng ngày vào chợ ăn xin kiếm sống. Thế rồi một hôm, đứa con trai bỗng nhiên mất tích, cả nhà chẳng biết cậu ta đi đâu.
Năm năm sau, có thông tin từ bên ngoài báo về. Hóa ra cậu con trai đã tới đại lục, nay đã trở thành quan tổng binh của tỉnh Phúc Kiến. Ông tổng binh phái người về tu sửa mộ phần tổ tiên, sẽ cải táng hài cốt của họ tới đại lục, nơi ông trị nhậm.
Khi Lâm Bán Tiên cùng người nhà của của quan tổng binh vào bên trong động đá ở Mũi Phượng, nhìn qua một lượt, họ Lâm đã kêu lên kinh ngạc: “Đây quả thật là một một huyệt tuyệt đẹp, chẳng trách con cháu lại đại phú, đại quý”.
Nói xong, Lâm Bán Tiên quay lại nói với những người cùng đi: “Phong thủy nơi này không được động vào! Quan tổng binh là nhờ âm phúc của nơi này mới có được như ngày hôm này, một khi động vào thì họa đến có ngày!”
Tuy nhiên, những thầy phong thủy được phái đi cùng không coi những lời nói của Lâm Bán Tiên ra gì. Quan tổng binh phái họ tới để đưa di cốt của cha ông ta về Phúc Kiến. Những người này đều sợ nếu như về tay không sẽ bị quan tổng binh trách mắng.
Vì vậy, nhất định thực hiện theo chỉ thị. Lâm Bán Tiên thấy vậy, biết chắc chắn rằng sẽ tai họa sắp giáng xuống đầu, bèn một mình rời khỏi đoàn. Kết quả, chiếc thuyền của đoàn người mang hài cốt cha của tổng binh khi đi tới Thượng Hải thì đột nhiên gặp bão lớn.
Chiếc thuyền bị cơn bão đánh gãy làm đôi, cả người lẫn thuyền cho tới bộ hài cốt mà họ mang theo đều bị chìm xuống đáy biển. Sau đó, quan tổng binh Phúc Kiến bị kẻ tiểu nhân ám hại mà mất chức. Trên đường về quê định hưởng tuổi già, quan tổng binh bị ngã xuống biển mà chết.
Tạo suối từ núi đá
Một chuyện khác kể, một hôm, Lâm Bán Tiên nhìn thấy một nhóm nông dân đang ăn cơm trưa trên bờ ruộng. Người dân phía Nam nổi tiếng hiếu khách, do vậy, những người nông dân nhìn thấy Lâm Bán Tiên thì rất nhiệt tình mời ông ăn cơm cùng.
Lâm Bán Tiên thấy thế cảm động nên ngồi xuống cùng. Đến khi nhìn thấy cơm của họ toàn là rau thì cảm thấy rất thương xót, nghĩ bụng: “Những người này đói khổ như vậy mà vẫn nhường cho mình phần cơm của họ, thật đáng thương”.
Trong lúc ngồi ăn cơm, Lâm Bán Tiên mới biết rằng, thứ nước những người nông dân này dùng để uống được lấy từ một nơi rất xa. Do địa thế của vùng này đều là núi đá nên hoàn toàn không có sông suối gì chảy qua.
Vì thế, hàng ngày, người dân cứ phải mang quang gánh tới nơi đó gánh từng thùng nước về để dùng. Lâm Bán Tiên nghe những người nông dân kể, cảm thấy họ đã khổ càng thêm khổ. Lâm Bán Tiên bèn nghĩ cách để cảm ơn thịnh tình của những người nông dân đã mời cơm ông nên nói:
“Các anh cứ phải đi lấy nước như vậy thì khổ quá. Để tôi giúp các anh cầu nước. Không chỉ có nước để ăn mà có thể dùng để tưới tiêu ruộng đồng mỗi khi trời khô hạn”.
Những người nông dân cảm thấy bán tín bán nghi, nói với Lâm Bán Tiên: “Nếu như được như lời ông nói thì thật là quá tốt!”.
Sau đó, Lâm Bán Tiên chọn một ngày hoàng đạo, rồi leo lên một ngọn núi, bày hương án, tay cầm thanh kiếm bằng gỗ liễu, vừa đi vừa niệm chú. Tới phần lưng chừng núi, sau khi đã ngắm chuẩn, Lâm Bán Tiên phun ba ngụm nước vào cùng một nơi rồi cầm thanh kiếm bằng gỗ liễu đâm thẳng vào vị trí đã phun nước.
Sau đó, Lâm Bán Tiên dặn một người ở lại trông chừng thanh kiếm gỗ còn mình thì quay trở lại hương án, tiếp tục làm phép. Một lúc sau, Lâm Bán Tiên từ trên đỉnh núi nói vọng xuống chỗ của người đang trông giữ thanh kiếm: “Mau rút thanh kiếm ra”.
Người trông chừng thanh kiếm nghe thấy vậy vội vàng rút thanh kiếm ra khỏi đất, đột nhiên, nước từ trong lòng núi theo thanh kiếm mà phun ra.
Lâm Bán Tiên từ trên đỉnh núi, nói vọng xuống hỏi: “Có nước hay không?” Người rút kiếm nói vọng lên rằng: “Có nước rồi!”
Lâm Bán Tiên lại hỏi: “Nước lớn hay nước nhỏ?”
Người rút kiếm lại nói: “Nước nhỏ nhỏ thôi!”
Lâm Bán Tiên nghe thấy vậy bèn than: “Người Lâm Viên phúc thật mỏng, có lẽ là do ý trời! Nếu như nước phun ra lớn thì chắc chắn sẽ thành một dòng sông”.
Tuy nhiên, một dòng nước nhỏ cũng đủ khiến người dân Lâm Viên vui mừng khôn tả, hò reo vang trời. Đột nhiên, Lâm Bán Tiên hét lớn: “Chạy! Có thể chạy bao xa thì chạy, chạy tới lúc không còn sức lực nữa thì mới dừng lại”.
Nghe câu nói của Lâm Bán Tiên, người dân Lâm Viên chẳng hiểu vì sao, nhưng thấy họ Lâm nói cầu nước là cầu được nên tin theo, nhất loạt nghe theo lời Lâm Bán Tiên chạy thục mạng ra phía biển.
Không ngờ, người dân Lâm Viên chạy tới đâu, nước cứ tuôn trên mặt đất chảy theo họ tới đó. Chạy chừng 5 – 6 dặm thì những người nông dân dừng lại. Dòng nước chảy theo chân họ tới nơi đây cũng dừng lại, không chảy nữa.
Kể từ khi có nước, người dân xung quanh vùng không cần phải đi xa lấy nước nữa, ruộng nương cũng tươi tốt hơn nhờ có đủ nước tưới tiêu. Nhờ vậy, đời sống của người dân Lâm Viên ngày một sung túc hơn.
Điều đặc biệt ở con suối do Lâm Bán Tiên tạo ra là dù thời tiết có khô hạn thế nào thì nó cũng không bao giờ cạn, dòng nước của nó cứ giữ nguyên, không nhiều cũng không ít.
Để nhớ ơn Lâm Bán Tiên, những người dân Lâm Viên đã quyết định xây dựng một cái miếu ở phía trên của con suối và đặt tên là miếu Thanh Thủy.
Sư tử đá hiển linh ăn đậu tương
Một lần khác, Lâm Bán Tiên tới thôn Ngũ Phòng ở Tân Viên Hương, quen biết một người bạn họ Trương. Một hôm, họ Trương bàn chuyện ở Vạn Đan Phố có một huyệt mộ, nếu như có thể chôn ở huyệt mộ này thì đời đời con cháu sẽ được hưởng vinh hoa phú quý chẳng bao giờ hết.
Họ Trương muốn nhờ Lâm Bán Tiên tới Vạn Đan Phố khảo sát, tìm được huyệt mộ này để chôn cất hài cốt tổ tiên ông ta.
Huyệt mộ này tựa lưng về hướng Dần, quay mặt về hướng Thân. Ở hướng Càn có một dòng nước tự nhiên chảy qua chính diện. Ở hướng Khôn có một đầm nước sâu có hình bán nguyệt. Hướng Thanh Long là chúng tinh tụ hội, hướng Bạch Hổ có một ngọn núi nhỏ hình tròn làm quan ấn, minh đường rộng rãi thoáng đãng, có thể chứa được cả thiên binh vạn mã.
Có thể nói đây là một long huyệt khó tìm thấy cái thứ hai. Lâm Bán Tiên tới nơi, tính toán một hồi rồi dùng tay làm phép, chỉ đúng vị trí hội tụ linh khí của khu đất.
Phía trước ngôi mộ đặt 2 con sư tử đá, Lâm Bán Tiên còn điểm nhãn cho chúng, khiến chúng biến thành những con sư tử thật. Những con sư tử này mỗi khi sáng sớm hoặc tối muộn lại chạy ra ngoài tìm thức ăn để nuôi dưỡng linh cốt bên trong linh huyệt.
Nhờ vậy, con cháu nhà họ Trương không ngừng ăn nên làm ra, tiền tài vào như nước. Tuy nhiên, 2 con sử tử đá chạy qua các khu ruộng của người dân kiếm ăn, khiến người dân nơi đây bị thiệt hại không ít song họ vẫn không cách nào tìm được con vật phá hoại ruộng vườn của mình.
Cho tới một hôm, con sư tử ở bên trái chạy ra ngoài tìm đồ ăn đã ăn sạch một ruộng đậu tương của những người nông dân ở gần đó. Những người nông dân này thấy ruộng đậu tương giống như bị trâu hay dê ăn sạch vì vậy, huy động cả dân làng truy bắt.
Lúc đó đã hoàng hôn, người dân không nhìn thấy rõ là con vật gì, song thấy nó phá hoại ruộng vườn của mình bèn giương cung lên bắn. Chỉ thấy con vật bỏ chạy, máu chảy ròng ròng.
Những người nông dân theo vết máu lần theo nhưng tới mộ của nhà họ Trương thì mất dấu vết. Nhìn kỹ thì thấy con sư tử bên trái mất một cái tai, chỗ tai bị mất máu vẫn còn chảy ròng ròng.
Những người nông dân chửi bới, nói rằng, hóa ra lâu nay con sư tử đá này ăn đậu tương của chúng ta. Một người nông dân tức giận muốn dùng chùy đập vỡ con sư tử đá kia. Không ngờ, Lâm Bán Tiên bố trí một tấm bùa, khiến cho người nông dân kia vừa giơ búa lên thì cảm thấy đầu óc choáng váng, ngã vật xuống đất bất tỉnh.
Mọi người thấy vậy đều phải bỏ về. Tuy nhiên, những người nông dân này vẫn không chịu thua. Mấy ngày sau, họ đem chuyện này kiện nhà họ Trương lên quan phủ, khiến cả một vùng Tân Viên Hương náo động.
Nhà họ Trương biết rằng mình đuối lý, đành phải dùng tiền bồi thường cho những người nông dân, sau đó lại nhờ Lâm Bán Tiên làm phép để khóa chặt hai con sư tử không cho chúng tự do ra ngoài tung hoành nữa.
Người dân nơi đây nói rằng, cho tới nay, ngôi mộ này đã tồn tại hơn 200 năm. Mỗi năm, con cháu nhà họ Trương đều tới đây để tảo mộ. Mỗi lần như vậy là người dân Tân Viên Hương lại một lần được chứng kiến những chiếc xe siêu sang nhập khẩu từ nước ngoài về.
Điều này chứng tỏ con cháu nhà họ Trương cho tới nay vẫn còn làm ăn rất phát đạt. Có điều, cho tới nay, dù rất nhiều lần con cháu nhà họ Trương muốn sửa lại cái tai bị sứt của con sư tử đá ở bên trái phần mộ nhưng vẫn không tài nào sửa được.
Bò vàng sinh ngựa trắng
Sau khi giúp họ Trương chọn mộ và đặt sư tử đá, Lâm Bán Tiên còn nhận lời một người họ Ưu tìm nơi đặt huyệt mộ cho mẹ ông ta. Người ta nói rằng, huyệt mộ này nằm cách huyệt mộ nhà họ Trương vừa đúng 30 thước.
Huyệt mộ này cũng có dòng nước tự nhiên chảy qua chính điện, quay mặt về đầm nước hình bán nguyệt, cũng là một huyệt mộ có thế “chúng tinh ủng nguyệt”.
Lâm Bán Tiên nói với họ Ưu rằng, nếu như mai táng ở huyệt này thì ba năm sau, con bò vàng của nhà ông sẽ sinh ra hai con ngựa trắng. Nếu như ông cho nó ăn lúa gạo thì nó sẽ thải ra vàng, còn nếu như ông cho nó ăn đậu tương thì nó sẽ thải ra bạc. Tuy nhiên, ta có một điều kiện là ông phải cho ta một con.
Họ Ưu nghe vậy thì mừng lắm, ngay lập tức đồng ý điều kiện mà Lâm Bán Tiên đưa ra. Sau khi mai táng mẹ của họ Ưu, Lâm Bán Tiên làm phép khóa long huyệt. Sau khi làm phép xong, Lâm Bán Tiên nói với họ Ưu rằng:
“Ba năm sau, con bò vàng của nhà ông sẽ mang thai, tất sẽ sinh ra hai con ngựa trắng. Ba năm sau ta tới lấy một con ngựa trắng về”. Đúng ba năm sau, con bò vàng của nhà họ Ưu quả thực mang thai và đúng như lời của Lâm Bán Tiên nói, con bò vàng sinh ra hai con ngựa trắng.
Họ Ưu mừng lắm, tuân theo lời của Lâm Bán Tiên mang lúa cho ngựa ăn. Khi con ngựa trắng đại tiện, họ Ưu nhìn vào thì quả thực toàn là vàng. Con ngựa trắng còn lại, họ Ưu mang đậu tương cho nó ăn, quả nhiên, khi con ngựa đại tiện ra toàn bộ đều là bạc nén.
Đang lúc họ Ưu vui mừng không gì tả xiết thì Lâm Bán Tiên tìm tới. Thấy Lâm Bán Tiên tới, lòng tham của họ Ưu chợt nổi lên. Trong lòng họ Ưu nghĩ: “Hai con ngựa quý giá như vậy, lẽ nào lại phải tặng cho người khác một con”.
Nghĩ vậy, họ Ưu liền sai người nhà dắt một con ngựa mang đi giấu rồi nói với Lâm Bán Tiên rằng, con bò vàng nhà mình chỉ sinh được một con ngựa trắng chứ không phải hai con như ông đã nói.
Lâm Bán Tiên nghe họ Ưu nói vậy thì biết rằng y nói dối. Tuy nhiên, Lâm Bán Tiên vẫn không hề nói nửa câu, lặng lẽ quay về. Lâm Bán Tiên tới trước phần mộ của nhà họ ưu làm phép một hồi, sau đó ngồi xe trở về Lâm Viên Hương.
Kết quả, hai con ngựa trắng của nhà họ Ưu chỉ trong một đêm đều chết cả. Họ Ưu muốn tìm Lâm Bán Tiên để bắt đền nhưng lúc này Lâm Bán Tiên đã dời đi từ lâu. Cũng kể từ đó, nhà họ Ưu bắt đầu lụn bại. Cuối cùng cả nhà họ Ưu phải rời quê đi tha phương cầu thực.
-Hoàng Hy tổng hợp -